Cổ phiếu VIB – Một năm đầy thách thức
Dù đã ghi nhận một tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với tỷ lệ CAGR 4 năm từ 2018-2022 lên đến 40% tuy nhiên VIB vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất đến từ khối Ngân hàng bán lẻ.
Tình hình kết quả kinh doanh, dẫn dắt bởi khối bán lẻ
VIB tăng trưởng tín dụng YTD đạt 3%, cải thiện so với mức 0.9% vào cuối tháng 6. Tăng trưởng được dẫn dắt bởi khối ngân hàng bán lẻ với các sản phẩm cho vay mua BĐS và vay HKĐ trong khi cho vay mua ô tô đang chậm lại. Lãi suất cho vay mua BĐS ưu đãi trong năm đầu tiên đang được cố định ở mức khoảng 9.5%, giảm rất mạnh từ mức lãi suất cho vay hồi đầu năm (thả nổi khoảng 16-17%).
Hoạt động thẻ và banca vẫn đóng góp chính vào thu nhập phí của VIB và đang lấy lại nhịp độ tăng trưởng.
Về thẻ, VIB kỳ vọng đạt 700 nghìn thẻ tín dụng trong năm nay (+14% svck), so với mức 651 nghìn thẻ tại Q2/23 khi VIB vừa hợp tác thêm với Amex và đẩy mạnh hoạt động promotion thông qua tài trợ các chương trình truyền hình nổi tiếng.
Về banca, VIB đã gia hạn thỏa thuận hợp tác với Prudential tới 2036 trong tháng 6 vừa qua. VIB sẽ ghi nhận 250 tỷ đồng phí trả trước trong năm nay (100 tỷ đã ghi nhận hồi Q2/23), phần phí còn lại sẽ được ghi nhận tới hết năm 2036. Đáng chú ý, VIB là ngân hàng có mức phí trả trước / APE dẫn dầu thị trường với tỷ lệ 14%.
Hiệu quả hoạt động – giảm NIM để kích cầu
VIB có thể sẽ chủ động giảm NIM để kích thích tăng trưởng tín dụng (tối đa khoảng 20 bps so với Q2/23 về mức 4.5%). Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tín dụng sẽ được thực hiện một cách có chọn lọc, không tăng trưởng quá nhanh bằng mọi giá do lo ngại nợ xấu tiềm ẩn trong điều kiện kinh tế vĩ mô còn nhiều yếu tố không chắc chắn (chính sách tiền tệ của Fed và SBV, tỷ giá).
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa quá nhanh và thanh khoản dồi dào, mức tăng trưởng tiền gửi huy động thậm chí còn giảm nhẹ trong tháng 9.
CIR sẽ duy trì ở mức 30-33% nhờ chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình, giảm CP vận hành.
Chất lượng tài sản VIB – các hệ số trong tầm kiểm soát, đẩy mạnh thanh lý tài sản đảm bảo
Tình hình thanh khoản của VIB đang khá tốt với mức LDR và SMLR báo cáo NHNN lần lượt là 68,2% và 24,8%, đều tuân thủ quy định mức tối đa của NHNN lần lượt là 85% và 34%.
Tốc độ xử lý và thu hồi nợ dự kiến sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới nhờ sản phẩm cho vay mua thanh lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu có chính sách rất hấp dẫn (ân hạn nợ gốc năm đầu, miễn lãi năm đầu tiên, cho vay tới 90% giá trị tài sản đảm bảo). Các tài sản đảm bảo được đưa ra thanh lý là các bất động sản đã có pháp lý đầy đủ và phương tiện vận tải. VIB kỳ vọng có thể thanh lý được khoảng 2 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo cho cả năm 2023. Trong 1H/23, VIB mới chỉ thu hồi được 185 tỷ đồng nợ đã xử lý.
Chi phí dự phòng cả năm 2023 dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng, đồng nghĩa mức trích lập cho nửa cuối năm sẽ bằng hoặc cao hơn so với nửa đầu năm (CP dự phòng 1H/23 là 1.528 tỷ đồng).
LLC của VIB tại Q2/23 khá thấp, đạt 39%. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại do đặc thù về tài sản đảm bảo của các khoản vay tại VIB hầu hết là BĐS đã có sổ đỏ (chiếm 65% tổng giá trị TS thế chấp), phương tiện vận tải (chiếm 17% tổng giá trị TS thế chấp). Những TSĐB này có tỷ lệ khấu trừ để tính chi phí dự phòng lần lượt là 50% và 30% theo TT11/2021/TT-NHNN.
Nợ cơ cấu tại thời điểm cuối Q2/23 là 731 tỷ đòng, chiếm 0.3% tổng dư nợ. Trong đó, nợ cơ câu theo TT02 là 513 tỷ đồng, và nợ cơ cấu trong giai đoạn Covid là 128 tỷ đồng.
Tác động Thông tư 10 với VIB – không đáng kể
Tác động của thông tư 10 (cho phép đảo các khoản vay tiêu dùng sang ngân hàng khác) tới VIB là không nhiều, do các thủ tục phức tạp liên quan tới TSĐB và chi phí phát sinh (trả nợ trước hạn) là tương đối lớn.
Kết luận: Nhìn chung, năm 2023 là năm khá thách thức để VIB có thể duy trì tăng trưởng LN ở mức cao so với giai đoạn trước (CAGR 4Y 2018-2022 đạt 40%) do sự chậm lại của trụ cột là khối Ngân hàng bán lẻ vốn có mức độ tương quan cao với diễn biến của kinh tế vĩ mô. Bù lại, VIB vẫn đảm bảo được chất lượng tài sản, các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn thanh khoản và đặc biệt là hiệu quả hoạt động ở mức vượt trội so với bình quân ngành.