Nhận định nhanh – Cổ phiếu PVT (Tổng CTCP Vận tải Dầu khí)
Kết quả kinh doanh quý 3/2023
Doanh thu cải thiện so với cùng kỳ, trong khi LNST giảm nhẹ. Trong Q3/2023, PVT ghi nhận doanh thu tăng 9% YoY đạt 2.551 tỷ đồng, tuy nhiên LNST cổ đông công ty mẹ (CĐCTM) giảm 8% svck còn 249 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trừ đi thu nhập khoản 205 tỷ đồng từ việc thanh lý tàu Athena trong Q3/2022, lợi nhuận Q3/2023 vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Doanh thu Q3/2023 tăng 21% so với quý trước, dẫn dắt phần lớn bởi 21% tăng trưởng doanh thu từ mảng vận chuyển LPG. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp (LNG) giảm từ 23% trong Q2/2023 đến 20% trong Q3/2023, dẫn đến LNST CĐCTM giảm 19% so với quý trước.
Mảng vận chuyển dầu thô
Thị trường nội địa: Vận tải dầu thô cho nhà máy lọc dầu Bình Sơn khoảng 17 chuyến, tương đương so với cùng kỳ.
Thị trường quốc tế: Giá cước tàu Appollo tăng từ 12.000 USD/ngày trong Q3/2022 lên đến 36.000 USD/ngày trong Q3/2023, giúp doanh thu mảng vận chuyển dầu thô tăng đến 41% svck. Nhờ đó, biên LNG cải thiện 13% bps svck đến 36% trong Q3/2023. Tuy nhiên, so với quý 2 vừa qua, giá cước tàu Appollo lại giảm 10%, khiến biên LNG giảm 5% bps.
Mảng vận chuyển sản phẩm dầu/hóa chất:
Thị trường nội địa: Trong Q3/2023 tổng số chuyến vận chuyển giảm 14% so với Q2/2023 do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng, dẫn đến biên LNG giảm 1% bps.
Thị trường quốc tế: Giá cước vận chuyển quốc tế tăng trong khoảng 17% đến 30% (tùy loại tàu) giúp biên LNG đạt 26% trong Q3/2023 (+7% bps svck).
Mảng vận chuyển khí LPG
Tăng trưởng khá tích cực nhờ 1) đầu tư thêm tàu VLGC mới – Global Liberty và 2) tàu VLGC Aquamarine ký được hợp đồng mới với giá cước cao hơn. Giá cước tàu VLGC tăng nhờ nhu cầu vận chuyển khí LPG bằng tàu VLGC đến các nước Châu Á gia tăng do chênh lệch giá khí propane giữa Mỹ và Châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ. Nhờ đó, doanh thu mảng vận chuyển LPG tăng 14% svck và biên LNG tăng từ 13% trong Q3/2022 đến 18% trong Q3/2023.
Mảng hàng rời
Mặc dù doanh thu cho thấy sự hồi phục (+9% YoY; +21% QoQ), giá cước hiện tại không mấy tích cực. Do đó, mảng hàng rời ghi nhận mức lỗ gộp 8 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận gộp 64 tỷ trong Q3/2022.
Triển vọng 2024
Mảng vận chuyển dầu thô:
Giá cước mảng vận chuyển dầu thô tăng mạnh kể từ tháng 10 sau khi giảm nhẹ trong Q3/2023 nhờ Mỹ và Nga gia tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô. Hơn nữa, nhờ nhu cầu đi lại gia tăng, quý 4 cũng thường là mùa cao điểm đối với mảng vận chuyển dầu thô.
Mảng vận chuyển sản phẩm dầu/hóa chất
Mảng vận chuyển hóa chất có triển vọng tích cực trong quý 4, với giá cước tiếp tục tăng nhờ nhu cầu hóa chất tăng trưởng tại khu vực Châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc. Trong 2024, giá cước tàu chở hóa chất được kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ tăng nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc khi nguồn cung bị thu hẹp.
Mảng vận chuyển LPG
Mảng vận chuyển khí LPG sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 4. Dòng chảy thương mại mạnh mẽ giữa Mỹ – Châu Á và nhu cầu từ Ấn Độ sẽ giúp củng cố giá cước.
Mảng hàng rời
Nhờ vào tính mùa vụ, mảng hàng rời có thể ghi nhận kết quả tích cực trong quý 4, tuy nhiên mức tăng có thể không đáng kể.
Đầu tư tàu mới
Trong 9 tháng đầu năm, PVT đầu tư trực tiếp 7 tàu và 5 tàu dưới hình thức BBHP. Trong Q4/2023, PVT nhận hai tàu MR mới, PVT Avira và PVT Solana (~ 22tr USD/tàu). Hai tàu mới này sẽ được đưa vào sử dụng trong Q4/2023 với giá cước khoảng 25.000 USD/ngày.
Trong 2024, PVT có kế hoạch đầu tư thêm 6 tàu mới, chủ yếu tàu trong mảng vận chuyển hóa chất. Ngoài ra, PVT có thể đầu tư thêm tàu Aframax và LPG.