Thứ Năm 26/03/2024

Giá vàng thế giới sẽ còn lập thêm kỷ lục, vì sao

Xung lực tăng của giá vàng hiện đang yếu đi do nhu cầu chốt lãi của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên giới phân tích đã chỉ ra một số lý do để tin rằng giá vàng thế giới có khả năng thiết lập thêm kỷ lục mới trong năm nay…

GM Invest

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Aakash Doshi – trưởng nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản khu vực Bắc Mỹ của ngân hàng Citi – dự báo giá vàng có thể tăng lên mức 2.300 USD/oz trong nửa sau của năm nay nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Ngoài ra, hai yếu tố quan trọng khác là nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và lực mua vàng vật chất của nhà đầu tư cá nhân cũng hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của vàng.

Động lực tăng của giá vàng thế giới

Vàng là tài sản không mang lãi suất nên có mối quan hệ ngược chiều với lãi suất: môi trường lãi suất tăng không có lợi cho giá vàng. Ngược lại, lãi suất giảm là cơ hội tốt để vàng tăng giá vì sức hấp dẫn tương đối của vàng so với những tài sản có lợi tức cố định như lãi suất sẽ tăng lên – bởi những tài sản đó sẽ mang lại lợi tức thấp hơn trong môi trường lãi suất thấp.

Giá vàng thế giới
Động lực tăng của giá vàng thế giới

Tuần vừa rồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mang đến một thông điệp rõ ràng cho giới đầu tư vàng – thông qua việc giữ nguyên dự báo cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, ngay cả khi các báo cáo gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn ở trên mục tiêu 2%. Nhờ tín hiệu từ Fed, giá vàng đã lập kỷ lục mọi thời đại, lần đầu tiên vượt qua mốc 2.200 USD/oz.

Chiến lược gia cấp cao James Stanley tại công ty Forex.com kỳ vọng giá vàng sẽ có xu hướng tăng cao hơn trong thời gian từ nay đến cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 của Fed – thời điểm mà ngân hàng trung ương dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Ông Stanley lưu ý rằng vàng đang được hỗ trợ tốt khi Fed phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát vẫn còn cao.

“Fed lẽ ra đã đưa ra một lập trường chính sách cân bằng hơn, nhưng họ đã không làm vậy. Nếu nhìn vào các dữ liệu kinh tế gần đây, không có lý do gì để Fed giữ nguyên dự báo cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Họ không cần phải giảm lãi suất nhiều như vậy vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Nhưng Fed vẫn nghiêng về mềm mỏng, và tôi cho rằng điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng”, ông Stanley nói.

Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng hơn 70% Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6, so với mức đặt cược chỉ khoảng 50% vào khả năng này trước khi diễn ra cuộc họp tuần vừa rồi của Fed.

Lực mua vàng của ngân hàng trung ương

Ngân hàng đầu tư Macquarie là một trong những tổ chức dự báo nhận định giá vàng sẽ lập kỷ lục mới trong nửa sau của năm nay. Dù thừa nhận rằng lực mua vàng vật chất giao ngay đã góp phần thúc vàng tăng giá thời gian gần đây, các chiến lược gia của Macquarie nhận định cú tăng 100 USD/oz của giá vàng mới đây có liên quan nhiều tới nhu cầu mua các hợp đồng vàng giao sau.

Giá vàng thế giới
Lực mua vàng của ngân hàng trung ương

“Các ngân hàng trung ương, lực lượng đã mua ròng một khối lượng vàng kỷ lục trong 2 năm qua, vẫn đang tiếp tục mua mạnh trong năm nay”, ông Shaokai Fan – trưởng bộ phận theo dõi ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) – nhấn mạnh.

Theo nhiều nhà quan sát, chính lực mua vàng của các ngân hàng trung ương đã củng cố sức mạnh cho giá vàng ngay cả khi lãi suất còn cao và đồng USD trong xu hướng tăng giá.

Dữ liệu do WGC công bố vào đầu tháng này cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng 39 tấn vàng trong tháng 1 năm nay, đánh dấu tháng mua ròng tháng 8 liên tiếp. Trong đó, hai ngân hàng trung ương mua ròng vàng với khối lượng lớn nhất trong tháng 1 là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, với lượng mua ròng tương ứng 12 tấn và 10 tấn.

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu dự trữ vàng 552 tấn, chỉ ít hơn 6% so với mức kỷ lục 587 tấn ghi nhận vào tháng 2/2023. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) dã mua ròng vàng suốt 15 tháng và hiện đang nắm 2.245 tấn vàng, nhiều hơn 300 tấn so với thời điểm cuôic tháng 10/2022 – khi PBOC bắt đầu mua ròng vàng trở lại sau một thời gian tạm dừng.

Cũng theo WGC, trong năm 2023, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng 1.037 tấn vàng, chỉ ít hơn so với mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2022. Theo WGC, lực mua duy trì là sự khẳng định chiến lược dài hạn nắm giữ vàng mà các ngân hàng trung ương đã theo đuổi từ năm 2010 đến nay.

Chuyên gia Doshi nhấn mạnh rủi ro địa chính trị gia tăng trên toàn cầu là một động lực để các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư khác mua vàng.

Ngân hàng Trung ương Ba Lan là ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều thứ hai thế giới trong năm ngoái, với lượng mua 130 tấn, chỉ sau lượng mua 225 tấn của PBOC. Theo CEO Randy Smallwood của công ty Wheaton Precious Metals, nhu cầu mua vàng của Ba Lan phản ánh mối lo địa chính trị trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Hồi năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan Adam Glapinski công bố kế hoạch mua 100 tấn vàng để tăng cường an ninh tài chính quốc gia.

Ngân hàng trung ương mua vàng nhiều thứ ba trong năm ngoái là Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), với lượng mua 76,51 tấn.

Nhu cầu nắm giữ vàng của nhà đầu tư cá nhân

Đóng góp không nhỏ vào xu hướng tăng của giá vàng còn là lực mua của nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm như vàng trang sức, vàng miếng và đồng xu vàng. Trung Quốc không chỉ dẫn đầu về lực mua vàng của ngân hàng trung ương, mà còn cả lực mua vàng của nhà đầu tư cá nhân.

Giá vàng thế giới
Nhu cầu nắm giữ vàng của nhà đầu tư cá nhân

“Ở mức độ người tiêu dùng cá nhân, Trung Quốc là một nhân tố lớn trong nhu cầu vàng trong năm ngoái, vì nhà đầu tư cá nhân ở nước này mua mạnh vàng để đa dạng hoá đầu tư khỏi các tài sản khác”, ông Fan nói.

Số liệu từ WGC cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ nhiều nữ trang vàng nhất thế giới trong năm 2023. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn nữ trang vàng trong năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.

Ở Ấn Độ, nhu cầu vàng nữ trang vẫn mạnh, nhất là trong mùa cưới kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 và từ tháng 1 đến tháng 3. “Vàng luôn là một món quà giá trị nhất để tặng ở Ấn Độ. Nữ trang vàng thực sự là một phần quan trọng của mùa cưới ở nước này”, ông Fan nói.

Do giá vàng tăng cao, tiêu thụ vàng nữ trang ở Ấn Độ đã giảm 6% trong năm 2023 so với năm 2022, còn 562,3 tấn. Tuy nhiên, đầu tư vào vàng miếng và tiền xu vàng ở Ấn Độ tăng 7%.

Một quốc gia khác chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu vàng trong năm 2023 là Thổ Nhĩ Kỳ. Lạm phát cao, đồng tiền mất giá, sự thiếu vắng của các kênh đầu tư sinh lời tốt, và tình trạng bấp bênh chính trị đã đẩy nhu cầu vàng ở Thổ Nhĩ Kỳ lên cao kỷ lục.

Theo dự báo của giới chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua mạnh vàng trong năm 2024. Theo dữ liệu mới nhất, lạm phát tháng 2 ở nước này đã vượt qua mốc 67% và đồng lira đã mất giá 40% so với đồng USD trong vòng 1 năm trở lại đây.

Cùng tác giả

thị trường chứng khoán hôm nay 17-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 17/07/2024

Thị trường chứng khoán có lượng mua tập trung vào cổ phiếu Ngân hàng nên chỉ số chung VN-Index giữ được sắc xanh, trong đó VN30...
thị trường chứng khoán hôm nay 16-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 16/07/2024

Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch trầm lắng với mức thanh khoản khá thấp. Hiện tại, một số đại diện ngành Điện được hưởng...
thị trường chứng khoán hôm nay 09-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 09/07/2024

Thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co quanh vùng 1280, thanh khoản có cải thiện do lượng bán mạnh tay vào rổ VN30 nhưng luôn...