Vì sao đồng Yen Nhật tiếp tục suy yếu
Lý do khiến đồng yên tiếp tục yếu
Các chiến lược gia cho rằng có 4 lý do khiến đồng yên tiếp tục yếu so với đồng USD.
- Lãi suất ở Nhật Bản vẫn còn thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
- Tốc độ mất giá của đồng yên chưa nhanh đến mức buộc nhà chức trách Nhật can thiệp vào thị trường ngoại hối.
- Mức độ biến động thấp của thị trường ngoại hối giúp thúc đẩy hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) trong đó yên Nhật được dùng làm đồng tiền cấp vốn.
- Sự mất giá của đồng yên chưa tạo ra được một cú huých mạnh mẽ đối với hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.
Giới chức Nhật Bản gần đây liên tục nói rằng diễn biến tỷ giá đồng yên không phù hợp với các yếu tố nền tảng của nền kinh tế và họ sẽ có các động thái phù hợp để ngăn đà mất giá của đồng nội tệ. Tuy nhiên, tỷ giá đồng yên vẫn duy trì gần mức thấp của hơn 3 thập kỷ là 151,97 yên đổi 1 USD thiết lập vào tuần trước.
“Đồng yên có thể sẽ tiếp tục yếu. Dù lãi suất của Nhật đã tăng, không có gì đảm bảo lãi suất của nước này sẽ chuyển sang trạng thái thực dương trong thời gian sớm. Điều này khiến cho sức hấp dẫn của đồng yên khó mà cải thiện được”, chiến lược gia trưởng về ngoại hối của công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co., ông Daisuka Ueno, nhận định với Bloomberg.
Lãi suất tại Nhật vẫn thấp
Sau khi trừ đi lạm phát, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đang ở mức âm 0,650%, so với khoảng 2% của Mỹ và 0,27% của Đức.
Chênh lệch lãi suất như vậy là nguồn động lực quan trọng để các nhà giao dịch đi vay bằng đồng yên để đầu tư vào các tài sản có lợi suất – tức giao dịch carry trade. Vấn đề này vốn dĩ đã là một bài toán khó tìm lời giải từ lâu đối với Chính phủ Nhật Bản, khi họ phải đối mặt với những hệ quả chính trị do đồng yên yếu – nguyên nhân đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình ở nước này lên cao.
BOJ được dự báo sẽ tăng thêm lãi suất trong năm nay, trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến tới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Sự ngược chiều chính sách như vậy có thể mở đường cho đồng yên hồi phục. Tuy nhiên, thời điểm chính xác để mỗi ngân hàng trung ương có động thái lãi suất như vậy vẫn là điều chưa chắc chắn. Ngoài ra, sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để thu hẹp khoảng cách lãi suất đang còn lớn giữa Nhật với các nền kinh tế lớn khác.
Chiến lược gia thị trường Ayako Sera của ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank Ltd phát biểu: “Một cách tự nhiên, dòng vốn dôi dư chảy từ những nơi có lợi suất thấp đến những nơi có lợi suất cao hơn, giống như nước chảy từ nơi cao xuống nơi thấp. Không có lý do gì để nhà đầu tư giữ tiền dôi dư của họ ở Nhật, nơi lãi suất chính sách đang ở ngưỡng 0”.
Không dễ dàng để can thiệp tỷ giá
Các nhà giao dịch tiền tệ đang hết sức theo dõi khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp nhằm vực dậy đồng yên sau khi các quan chức đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên, việc chuyển từ cảnh báo sang hành động thực tế có vẻ không phải là một việc dễ dàng.
Nhiều nhà giao dịch hiện tập trung vào hướng dẫn định lượng từ ông Masato Kanda – quan chức cấp cao nhất phụ trách thị trường ngoại hối của Bộ Tài chính Nhật. Những người này cho rằng nếu đồng yên rớt giá ở mức độ 10 yên/1 USD trong vòng 1 tháng sẽ là một thông số chủ chốt để dẫn tới hành động can thiệp.
Trong khi đó, đồng yên chưa có mức độ biến động lớn đến như vậy trong những tuần gần đây – nếu tính theo một thước đo về sự dao động của đồng tiền này từ mức cao nhất đến mức thấp nhất so với đồng USD trong khoảng thời gian 28 ngày. Lần gần đây nhất biến động tỷ giá USD/yên đạt ngưỡng đó là vào tháng 10/2022, khi Bộ Tài chính Nhật tiến hành 2 lần can thiệp vào thị trường ngoại hối. Hiện tại, biến động chưa bằng một nửa mức đó.
Nhật Bản vốn đã cam kết thực hiện các thỏa thuận quốc tế kêu gọi chính phủ các quốc gia cho phép các lực lượng thị trường quyết định tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, vẫn có một dư địa nhất định để nước này can thiệp nhằm ứng phó với những biến động quá mức của tỷ giá.
Giao dịch Carry Trade nở rộ
Mức độ biến động trên thị trường tiền tệ đã giảm xuống, làm gia tăng sức hấp dẫn của giao dịch carry trade đối với nhà đầu tư, vì họ không còn phải lo nhiều về việc biến động thị trường xoá sạch lợi nhuận.
Vào tháng trước, các quỹ sử dụng đòn bẩy tài chính và các nhà quản lý tài sản tại Mỹ đã chung tay nâng mức đặt cược vào sự mất giá của đồng yên lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 – theo dữ liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC). Một thước đo của ngân hàng JPMorgan Chase về biến động thị trường tiền tệ toàn cầu đã giảm một nửa nếu so với mức đỉnh gần đây vào tháng 9/2022.
Xuất khẩu chưa phục hồi
Theo lý thuyết kinh tế, đồng nội tệ yếu sẽ giúp một quốc gia tăng xuất khẩu, thông qua việc làm cho sản phẩm của nước đó có giá rẻ hơn ở nước ngoài. Tiếp đó, xuất khẩu tăng rốt cục sẽ củng cố tỷ giá của đồng tiền đó. Tuy nhiên, điều này hiện tại không thực sự xảy ra với Nhật Bản, vì đồng yên mất giá chưa tạo ra được một cú huých đối với hoạt động xuất khẩu của nước này.
Tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER) của đồng yên – một chỉ số đo sức mạnh của đồng tiền này so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại lớn của Nhật Bản – đã giảm gần 25% kể từ cuối năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, thước đo của BOJ về xuất khẩu đã được điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản cũng giảm 3,3% trong giai đoạn này. Như vậy, đồng yên mất giá không hề khiến xuất khẩu của Nhật tăng.
Điều đó có thể phản ánh rằng các công ty Nhật Bản ngày càng sản xuất nhiều hàng hóa ở nước ngoài thay vì sản xuất trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, nguồn vốn chảy khỏi Nhật để tìm kiếm lợi nhuận đầu tư cao hơn ở nước ngoài cũng là một trở ngại đối với đồng yên.
Ông Steven Englander – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tỷ giá nhóm G10 tại ngân hàng Standard Chartered – nhận định trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước rằng cán cân thương mại được cải thiện là cần thiết để tỷ giá một đồng tiền có thể hồi phục. “Thiếu vắng sự cải thiện như vậy sẽ dẫn tới giảm khả năng phục hồi của đồng yên”, ông Englander nhấn mạnh.