Các bước đầu tư chứng khoán
Trong đầu tư chứng khoán, bạn cần xác định rõ khẩu vị rủi ro, tìm phương pháp đầu tư và học về tổng quan thị trường, ngành nghề, phân tích doanh nghiệp. Dưới đây là những bước cơ bản để bạn tham khảo.
Có một tài khoản chứng khoán
Nếu học đầu tư chứng khoán mà không đi đôi với thực hành sẽ dễ tạo cảm giác chán nản, khó tập trung. Do đó bạn nên có một tài khoản chứng khoán và tập làm quen với những chức năng cơ bản trên thị trường. Một lời khuyên cho bạn là “người thầy tốt nhất với bạn chính là thị trường”. Đừng đợi đến lúc học xong mới tham gia vì lúc đó có thể đã quá trễ.
Xác định khẩu vị rủi ro của bạn
Trước khi bắt đầu xuống tiền vào thị trường chứng khoán, việc cần làm là xác định rõ khẩu vị rủi ro của bạn. Khẩu vị rủi ro là quan điểm, mức độ chấp nhận của mỗi người về sự rủi ro. Khẩu vị rủi ro thường được xác định qua các yếu tố như lứa tuổi, khả năng tài chính, gia đình…. Mức độ khẩu vị rủi ro sẽ quyết định sự an toàn cho nguồn vốn và kỳ vọng sinh lợi.
Ví dụ, nếu bạn đầu tư 100 triệu đồng, bạn sẽ chấp nhận mất bao nhiêu khi khoản đầu tư bị thua lỗ? Với độ rủi ro ở mức đã xác định, bạn kỳ vọng sẽ thu về bao nhiêu phần trăm lợi nhuận để bù đắp cho những rủi ro có thể gặp phải?
Tìm phương pháp đầu tư phù hợp
Khi đã xác định được khẩu vị rủi ro, thời gian dành cho đầu tư, khả năng tài chính và phương án dự phòng tài chính, bước tiếp theo nên bắt đầu lựa chọn cho mình một số phương pháp đầu tư chứng khoán. Một số phương pháp đầu tư nổi bật và phổ biến hiện nay là đầu tư giá trị, đầu tư theo phân tích kỹ thuật, đầu tư tăng trưởng.
Việc tìm cho mình những phương pháp đầu tư phù hợp sẽ khá dễ dàng nếu đã xác định được khẩu vị rủi ro. Nhiều phương pháp có thể áp dụng cho việc đầu tư, nhưng quan trọng nhất là phải tìm được phương pháp nào phù hợp với tính cách của bạn cũng như cách áp dụng vào thị trường để có mức sinh lời cao nhất. Lúc này, bạn đã có thể thực hành mua bán thử cổ phiếu trên sàn và tìm hiểu căn bản về giá khớp lệnh, các chỉ số, bảng giá chứng khoán, khối lượng giao dịch.
Tham gia các khóa học chứng khoán
Đối với việc học, ngoài “người thầy” là thị trường, các nhà đầu tư cá nhân thường tự mày mò, rèn luyện thông qua sách vở, tài liệu trên mạng, giáo trình nước ngoài và trải nghiệm trong thực tế. Tuy nhiên, cách học này thường mang lại nhiều kiến thức theo kiểu “góp nhặt” thiếu tính hệ thống. Về lâu dài sẽ dẫn đến hiểu biết có nhiều lỗ hổng và không đủ sâu, quan trọng nhất là bạn sẽ thiếu đi tính hệ thống trong kiến thức, từ đó có thể dẫn đến việc đưa ra quyết định đầu tư sai lầm.
Do đó, nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường nên theo học những khóa học có lộ trình thống nhất. Nhờ đó, bạn có thể hiểu biết đủ về các khía cạnh trong đầu tư cũng như các nền kinh tế vận hành, từ đây đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt nhất.
Tham khảo lộ trình đầu tư chứng khoán
Đầu tiên, bạn hãy tìm hiểu tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, hiểu về vai trò và các thành phần trên thị trường, các trường phái đầu tư. Bạn cần tìm hiểu tường tận về những vấn đề nhỏ nhất như thị trường sinh lợi như thế nào, các lệnh mua bán thiết lập ra sao…
Tiếp theo là các hiểu biết về vĩ mô và chu kỳ kinh tế. Việc xác định vĩ mô, chu kỳ kinh tế hiện tại và sự tương tác giữa vĩ mô và các ngành nghề trên thị trường sẽ cho bạn cái nhìn đúng nhất về việc nên giải ngân đầu tư vào thời điểm nào, ngành nào, kỳ vọng ra sao.
Tập trung tìm hiểu các ngành nghề trên thị trường. Dòng tiền trên thị trường tài chính sẽ có sự luân phiên giữa các nhóm ngành rất linh hoạt. Việc hiểu biết về ngành, chuỗi giá trị, lợi thế cạnh tranh sẽ cho bạn một lợi thế rất lớn trong việc nắm bắt được chu kỳ sớm hay muộn thông qua các dấu hiệu đặc trưng.
Cuối cùng, tìm hiểu về doanh nghiệp, trong đó hiểu biết về tài chính doanh nghiệp sẽ là phễu lọc cuối trong việc ra quyết định đầu tư. Đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính là tìm hiểu về sức khỏe và lợi thế của các doanh nghiệp trong ngành, xác định tỷ suất sinh lời, mức độ rủi ro để lựa chọn và quyết định đầu tư.
Để hoàn thiện hơn về kiến thức đầu tư, bạn nên tìm hiểu thêm về các hoạt động khác như mua bán cổ phiếu quỹ, cổ phiếu ưu đãi, phát hành ESOP, chia tách cổ phiếu của doanh nghiệp, phương pháp định giá, trường phái đầu tư…