Cơ hội và thách thức cho Việt Nam từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc bùng nổ vào năm 2018 với việc Mỹ áp đặt thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuộc chiến này nhanh chóng leo thang khi Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp tương tự. Cuộc chiến thương mại này đã tạo nên những biến động lớn trong kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mang đến cho nền kinh tế của Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Hãy cùng GMInvest phân tích về cơ hội và thách thức cho Việt Nam từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc trong bài viết này.
Cơ hội
Tăng cường xuất khẩu
Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc mở ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) năm 2022 đã khẳng định vị thế ấn tượng của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 4 ASEAN, nổi bật với độ mở thương mại hàng đầu khu vực.
Theo báo cáo, năm 2024, Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công khi lọt vào top 20 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên toàn cầu.
Với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần 200% so với quy mô GDP, Việt Nam khẳng định vị thế là nền kinh tế năng động trong khối ASEAN.
Quy mô GDP các nước trong khối ASEAN giai đoạn 2022-2037 theo CEBR. Nguồn: CEBR
Thu hút đầu tư nước ngoài
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam thu hút vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Các doanh nghiệp đa quốc gia có thể dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Với nền kinh tế vĩ mô vững chắc, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp và dự trữ ngoại hối cao, Việt Nam đã xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh.
Sự thuận lợi về chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân công dồi dào cùng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra điều kiện lý tưởng cho việc thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn quốc tế. Đặc biệt, việc địa chính trị thuận lợi và vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng, giúp Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn di dời sản xuất khỏi Trung Quốc mà không lo lắng về gián đoạn chuỗi cung ứng.
Với những ưu điểm trên, Việt Nam đang tỏ ra sẵn sàng và hứng khởi đón nhận làn sóng đầu tư FDI dịch chuyển từ Trung Quốc. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ cho đất nước mà còn góp phần thúc đẩy sự hòa nhập quốc tế và thịnh vượng của khu vực.
Theo Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal), trong xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Samsung giờ đây đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, theo hãng tin Sputnik – Nga “Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất, công xưởng lớn nhất của Samsung trên thế giới. Có đến 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại quốc gia này”.
Một số mặt hàng Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung phải kể đến như điện tử, dệt may và da dày. Ngành dệt may và da giày cũng được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi trong chiến tranh thương mại khi lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được thêm vốn đầu tư FDI, từ đó giúp tăng xuất khẩu và việc làm. Song quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và tốc độ chậm vì đối với các Tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn nhất định, nhất là các phân khúc cần trình độ nhân công cao dù mức lương tại đây đang có xu hướng tăng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Như vậy, thời điểm này là cơ hội quý báu cho Việt Nam khẳng định vị thế riêng của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh tận dụng các cơ hội mới.
Theo đó cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại đã ký kết. Về mặt chính sách, Việt Nam cần ưu tiên xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài.
Thách thức
Không chỉ tận dụng những điểm sáng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung để tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế, gia tăng xuất khẩu mà với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam cũng sẽ chịu những thách thức lớn, những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến này.
Tác động tiêu cực đến xuất khẩu
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu Việt Nam.
Áp lực từ đồng USD tăng giá, chính sách bảo hộ và biến động giá cả, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá năng lượng tăng đang đặt ra thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm của mình. Khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế cao, để giảm sự phụ thuộc và duy trì năng suất, doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách “phá giá” và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá cả, ảnh hưởng đến lợi nhuận và thị phần của doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Mặt khác, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm nhu cầu nhập khẩu, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt bị thu hẹp. Đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Rủi ro về giá cả
Việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế cao lên hàng hóa của nhau có thể dẫn đến biến động giá cả mạnh mẽ của nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
Giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp và giá cả hàng hóa tiêu dùng.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp diễn còn gây tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng CNY và đồng USD. Trong khi Việt Nam đồng hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào tỷ giá của 2 đồng trên nên cũng sẽ bị tác động. Biến động tỷ giá và giá cả hàng hóa có thể tác động đến tỷ giá nội tệ, nguy cơ lạm phát gia tăng tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và nền kinh tế vĩ mô.
Cạnh tranh gay gắt
Việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp đa quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, nó cũng đi kèm với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Định hướng và giải pháp
Từ những cơ hội và thách thức nêu trên, Việt Nam cần đề ra những định hướng phát triển để nắm bắt cơ hội, song cũng cần có những giải pháp giảm thiểu tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này.
Về vĩ mô, Nhà nước tiếp tục ổn định nền kinh tế, chính trị để đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn. Linh hoạt trong điều hành tỷ giá để làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu và thu hút FDI. Đặc biệt Chính phủ cần có các chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và chủ động chuẩn bị các điều kiện và tận dụng cơ hội hội nhập các nền kinh tế trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể thành công trong môi trường kinh doanh quốc tế, khẳng định vị thế và thương hiệu sản phẩm. Trước tiên, doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng hàng hóa, đa dạng về hình thức, mẫu mã, với giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh. Tiếp đó, cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu của mình theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung càng ngày càng căng thẳng. Điều này đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế hai nước và các nền kinh tế mở khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại này khó có thể tránh khỏi với một nền kinh tế mở, song trên góc nhìn lạc quan, Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội. Chính phủ Việt Nam cần nâng cao vai trò quản lý, hướng dẫn kết hợp cùng các doanh nghiệp Việt để tận dụng những lợi ích từ chính sách, nâng cao chất lượng sản phẩm để biến những khó khăn thành cơ hội cho chính mình.
Xem thêm: