Cổ phiếu BSR “bừng sáng” khi Crack Spread tăng mạnh
Cổ phiếu BSR- tình hình kinh doanh quý 2 2023
Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023.
Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 33.669 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán trong cùng kỳ chỉ giảm 21%, khiến lợi nhuận gộp của Lọc hoá dầu Bình Sơn giảm tới 89%, xuống còn 1.177 tỷ đồng trong quý 2/2023.
Doanh thu, lợi nhuận cổ phiếu BSR sụt giảm SVCK
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp đã tăng gấp 2,2 lần, lên hơn 714 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính đã giảm 62% nhờ chi phí lãi vay giảm đáng kể; chi phí bán hàng cũng đã giảm hơn 8%. Nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 64%, chủ yếu do chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí dịch vụ mua ngoài tăng cao.
Kết thúc quý 2/2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lãi ròng hơn 1.300 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6/2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đang nắm giữ hơn 29.230 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm nay. Khoản mục này tương đương với 40% tổng tài sản của Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện nay.
Vừa qua theo FPTS Reseearch cập nhật kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) với sản lượng tiêu thụ đạt 4,6 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 82% kế hoạch sản lượng năm 2023. Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ở mức 108% – 110% công suất.
Trong 8 tháng đầu năm, doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn ước đạt 91.600 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.400 tỷ. Với kết quả này, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã thực hiện được 96% kế hoạch doanh thu và 270% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.
Doanh thu lên xuống cùng Crack spread
Như vậy tính riêng trong tháng 7 và 8, ước tính doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt khoảng 23.866 tỷ và lãi sau thuế khoảng 1.454 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện đã hoàn thành gần 71% mục tiêu doanh thu và 181% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong quý 3/2023 dự kiến sẽ khả quan nhờ crack spread (chênh lệch giá dầu thô đầu vào và sản phẩm) tăng, đặc biệt là nhóm dầu Diesel và Jet A1.
Crack spread các sản phẩm xăng dầu tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ đi lên vào mùa cao điểm trong khi nguồn cung xăng dầu vẫn thắt chặt, tình hình này được dự báo sẽ tiếp diễn cho đến 2024. Tồn kho xăng dầu tại các nước châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới đang ghi nhận mức thấp so với quý II/2023, tạo điều kiện xuất khẩu và mức crack spread cao hơn cho xăng dầu trong khu vực châu Á.
Dự kiến niêm yết trên HoSE từ quý 4/2023, cổ phiếu BSR có gì hấp dẫn?
Với lợi thế cấu trúc tài chính mạnh, nhiều tiền nhưng ít nợ vay lại hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, có rào cản gia nhập ngành cao, bảo vệ triển vọng dài hạn, cổ phiếu BSR đang sở hữu nhiều lợi thế hứa hẹn bứt phá trong thời gian tới.
Trong báo cáo cập nhật doanh nghiệp ngày 10/8 Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, tới nay, cổ phiếu BSR đã đáp ứng 8/9 điều kiện, ngoại trừ tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn. Hiện Công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF), công ty con của BSR, đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của BSR), làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính hợp nhất của BSR.
Theo quy định hiện hành, không có hướng dẫn cụ thể về việc xem xét áp dụng tiêu chí này đối với báo cáo tài chính công ty mẹ hay báo cáo hợp nhất. Vì vậy, BSR đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đánh giá và giải quyết vướng mắc, theo BSC.
BSC đánh giá, trường hợp BSR được chấp thuận niêm yết trên HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, đồng thời giúp công ty tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn, cả trong và ngoài nước.
Khó khăn và thách thức với cổ phiếu BSR
Mặc dù các lợi thế vẫn khá lớn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR trong năm 2023 cũng đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường dầu thô biến động khó lường.
Thuế phí và lạm phát
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% thuế suất, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm.
Cùng đó, lạm phát các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Điều này kéo theo chi phí hoạt động trong năm của BSR có thể tăng.
Đối với việc đảm bảo nguồn cung dầu thô đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc cạnh tranh trong quá trình mua dầu thô trong nước có thể khiến BSR không mua đủ dầu cho hoạt động sản xuất.
Cạnh tranh gắt gao
Đặc biệt, Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có công thức giá (gồm giá cơ sở và phụ phí premium) có thể gây tác động bất lợi cho hoạt động của BSR trong bối cảnh sản phẩm xăng dầu của BSR phải cạnh tranh gắt gao với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu với các nước có FTA với Việt Nam.
Ngoài ra, sản phẩm polypropylen (PP) dự kiến gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Các vướng mắc pháp lý
Bên cạnh đó, cổ phiếu BSR cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư mở rộng nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Nguyên nhân là do dự án có sự khác nhau giữa thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Các gói thầu của dự án yêu cầu kỹ thuật cao, kéo dài thời gian xem xét đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu. Công suất dự án được điều chỉnh từ 192 nghìn thùng xuống còn 171 nghìn thùng/ngày nên diện tích giảm từ 108ha xuống còn 40ha…
Hơn nữa, khi chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần, dự án này đã không còn được vay vốn theo diện bảo lãnh của Chính phủ, mà phải tiếp cận vốn lại từ đầu theo phương thức mới.
Hiện BSR đang tiếp tục triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất theo chủ trương được điều chỉnh, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ là quý I/2028 đưa vào vận hành. Riêng việc thu xếp vốn hiện đã có 22 ngân hàng gửi thư chào sơ bộ, với số vốn khoảng 2,146 tỷ USD.
Nhận định chung về cổ phiếu BSR
Có thể thấy, cổ phiếu BSR là một trong những cổ phiếu có mức tăng giá thấp nhất từ đầu năm đến nay cũng như so với vùng giá đáy cuối năm 2022 với nhiều động lực cải thiện về KQKD và thời gian hấp dẫn đủ lâu, chính vì thế BSR sẽ là “điểm sáng” đầu tư nửa cuối năm, phù hợp nắm giữ ngắn hạn và trung hạn với kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn.
Bên cạnh đó, việc cổ phiếu BSR có kế hoạch chuyển sàn để được niêm yết cổ phiếu trên HOSE, và đã được thông qua trong kỳ Đại hội đồng cổ đông mới đây. Trong trường hợp được chấp thuận, việc cổ phiếu BSR được niêm yết trên HOSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của công ty, từ đó mở ra triển vọng cải thiện thanh khoản và tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn (cả trong và ngoài nước).