Cổ phiếu PHR (CTCP Cao su Phước Hoà): Hưởng lợi từ quỹ đất lớn tại Bình Dương
Kết quả kinh doanh
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2023, CTCP Cao su Phước Hòa ghi nhận doanh thu thuần đạt 201 tỷ đồng, giảm 17% svck. Giá vốn giảm mạnh hơn khiến biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 23%, tương ứng lợi nhuận gộp 47 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng mạnh 92% lên 60 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 56% nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với doanh thu tài chính.
Trong quý 2/2023, PHR ghi nhận một khoản thu nhập gần 70 tỷ từ việc thanh lý vườn cây cao su dẫn đến LNTT hợp nhất của PHR đạt 154 tỷ đồng, tăng 135% svck và lãi ròng thu về 122 tỷ đồng, cao gấp 2.3 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của PHR giảm 13% so với cùng kỳ xuống còn 527 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả tích cực từ hoạt động tài chính và việc thanh lý vườn cao su trong quý 2 đã giúp LNST 6 tháng của PHR tăng nhẹ 2% lên mức 361 tỷ đồng.
Tình hình hoạt động
Mảng cao su gặp khó khăn trong nửa đầu năm khi nhu cầu thị trường giảm, hàng tồn kho tăng cao trong giai đoạn trước đó dẫn đến giá cao su trên thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi ấn tượng khi trong giai đoạn tháng 8 đến hiện tại giá cao su đã tăng trở lại và đang giao dịch ở mức cao nhất từ cuối tháng 1/2023. Nguyên nhân chính của sự phục hồi giá cao su đến từ thị trường Trung Quốc. Nước này đang tung ra các chính sách kích cầu tiêu dùng, kích thích nền kinh tế hậu Covid-19, đặc biệt với ngành ô tô – chính phủ Trung Quốc đang tập trung chiếm thị phần của ngành xe điện, xe hybrid. Dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su cho sản xuất lốp xe của Trung Quốc tăng cao.
Hơn nữa, theo số liệu từ cục Hải quan, Trung Quốc chính là đối tác nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 99.82% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su tính đến hết tháng 7/2023.
Mảng BĐS KCN, PHR hiện tại đang có quỹ đất tương đối lớn, theo quy hoạch dự kiến thì có thể đạt hơn 1000 ha diện tích thương phẩm. Trong bối cảnh, nguồn cung BĐS KCN đang cạn kiệt thì triển vọng của PHR khá lớn khi các khu đất của doanh nghiệp này đang nằm trong vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc di chuyển.
Tuy nhiên, tốc độ triển khai dự án của PHR đang còn chậm, gặp vướng mắc ở khâu hoàn thiện thủ tục pháp lý nên trong ngắn hạn sẽ chưa ghi nhận được doanh thu đáng kể.
Thu nhập từ việc đền bù đất sẽ không còn trong giai đoạn cuối năm 2023 đến 2024 khi trong quý 1/2023 PHR đã nhận khoản tiền đền bù cuối cùng liên quan đến dự án VSIP III.
Tiềm năng
Nhu cầu đất KCN trên địa bàn Bình Dương đang tăng cao, PHR hiện tại quản lý khoảng 15,000 ha đất cao su tại tỉnh này, trong đó công ty có kế hoạch chuyển đổi 5,600 ha thành đất KCN.
Các dự án phát triển KCN sẽ là động lực chính của PHR trong giai đoạn 2024 – 2026: KCN Tâp Lập 1 (tổng diện tích đạt 200 ha), 4 cụm KCN Tân Định (300 ha), KCN Tân Bình mở rộng (1055 ha).
PHR đang xin phê duyệt từ công ty mẹ là Tập đoàn Cao su Việt Nam để đầu tư vào 20% cổ phần của KCN VSIP III trên mệnh giá (400 tỷ đồng) thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) trong năm 2023. Nếu được chấp thuận thì khoản thu nhập từ hoạt động của này sẽ đóng góp lớn vào lợi nhuận của PHR.
Rủi ro
Giá cao su chững lại đà phục hồi, nhu cầu giảm hơn so với kỳ vọng.
Tiến độ chuyển đổi đất trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp kéo dài do thủ tục pháp lý phức tạp và quỹ đất phải phát triển đồng bộ với quy hoạch của tỉnh, trong khi đó bộ máy quản lý tỉnh Bình Dương đang có sự xáo trộn.
Kết luận
Nguồn thu ngắn hạn đang bị ảnh hưởng cả hai mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét trong giai đoạn 2024 – 2026 thì PHR hoàn toàn có dư địa để tăng trưởng bởi sự đóng góp lớn của mảng BĐS KCN.