“Đất hiếm” tại Việt Nam và những tiềm năng phát triển từ đất hiếm
Việt Nam đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm
Đất hiếm là một loại đất có chứa 17 nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt.
“Đất hiếm” tại Việt Nam không hề hiếm
Không giống như nhiều người nghĩ, đất hiếm thật ra không hề “hiếm”. Ngoại trừ prometi có tính phóng xại, tất cả chúng đều có trữ lượng dồi dào trong lớp vỏ Trái Đất. Nhưng vì chúng phân bố rải rác ở khắp nơi, khó khai thác, khó tách quặng, chi phí đắt đỏ, gây ô nhiễm môi trường… Chính những điều đó đã biến chúng trở thành đất hiếm.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam được ước tính vào khoảng 22 triệu tấn, đặt quốc gia này ở vị trí thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 44 triệu tấn. Các quốc gia khác có trữ lượng đất hiếm lớn nhất trên thế giới bao gồm Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Đất hiếm phân bố ở đâu?
Tại Việt Nam đất hiếm đang phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Các nguồn dự trữ này được định giá khoảng 3 nghìn tỷ USD và mang lại cơ hội đáng kể cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ.
Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.
Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng…
Vai trò của đất hiếm với đời sống và các ngành công nghiệp
Mặc dù có tên gọi là đất “hiếm” nhưng chúng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ tiên tiến.
- Công nghiệp điện tử: Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất các thành phần điện tử, chẳng hạn như bóng đèn huỳnh quang và đèn LED. Đặc biệt, được sử dụng để sản xuất nam châm mạnh dùng trong ổ cứng, loa.
- Năng lượng tái tạo: Đất hiếm được sử dụng trong các ứng dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong việc sản xuất các loại nam châm mạnh cho động cơ của các máy bay và xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu. Các ứng dụng này giúp tăng hiệu suất và giảm tiêu thụ nhiên liệu.
- Công nghiệp công nghệ cao: Đất hiếm như một vai trò quan trọng trong sản xuất và phát triển các sản phẩm công nghệ cao cấp như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng, và màn hình cảm ứng.
- Năng lượng xanh: Một số đất hiếm, như dysprosium và terbium, được sử dụng trong việc sản xuất các loại nam châm mạnh cho các máy phát điện gió và năng lượng mặt trời. Điều này giúp tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống năng lượng tái tạo.
- Công nghiệp quốc phòng: Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các máy bay chiến đấu, tên lửa, và hệ thống định vị.
- Y học: Một số ứng dụng của đất hiếm trong lĩnh vực y học bao gồm việc sử dụng trong hệ thống hình ảnh y khoa (MRI), thiết bị xạ trị, và các thiết bị y tế tiên tiến.
Triển vọng phát triển đất hiếm tại Việt Nam
Những ứng dụng đa dạng của đất hiếm làm cho chúng trở thành một tài nguyên quý giá đối với sự phát triển công nghiệp và công nghệ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự khan hiếm và tập trung nguồn cung cấp của chúng đã đặt ra một loạt thách thức về an ninh tài nguyên và quản lý bền vững.
Năm 2022, Việt Nam là nước tiếp nhận 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành khai khoáng, với tổng vốn đăng ký là 4,9 tỷ USD.
Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam rất đa dạng, trong đó khoáng sản đất hiếm ngày càng trở thành trọng tâm quan trọng của ngành. Ngoài ra, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp cận được với các thị trường trọng điểm trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – những thị trường nhập khẩu khoáng sản đất hiếm lớn.
VN cũng đã xác định ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó có lĩnh vực khoáng sản đất hiếm, là ưu tiên phát triển và đã đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Những biện pháp này bao gồm các ưu đãi về thuế, thủ tục đơn giản hóa để xin giấy phép khai thác và thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho khai thác và chế biến.
Các nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam có thể hưởng lợi từ vị trí chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á, các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động lành nghề với chi phí cạnh tranh.