Hoạt động tự doanh chứng khoán là gì, yêu cầu của tự doanh chứng khoán
Hoạt động tự doanh chứng khoán là gì
Hoạt động tự doanh chứng khoán ra đời nhằm mục đích thu lợi nhuận từ chênh lệch giá và dự trữ cổ phiếu để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường.
Xem thêm:
Phân biệt trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ
Lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán được hình thành thế nào
Trước đây, trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2010, đây chính là nghiệp vụ đem lại nguồn thu lớn cho các công ty chứng khoán. Đến giai đoạn khó khăn 2011-2015, hầu hết công ty thu hẹp nghiệp vụ này hoặc chuyên nghiệp hóa thông qua tách bạch hoạt động quản lý quỹ với hoạt động cốt lõi.
Đặc điểm của hoạt động tự doanh chứng khoán
Hoạt động tự doanh chứng khoán được thực hiện bởi chính công ty môi giới chuyên nghiệp nên nó mang những đặc điểm sau đây.
- Công ty chứng khoán thực hiện giao dịch dưới danh nghĩa là nhà đầu tư.
- Công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh có thể nhận được 100% lợi nhuận từ khoản chênh lệch khi đầu tư.
- Nghiệp vụ tự doanh mang tính chất đầu cơ với nhiều khoản đầu tư phức tạp, thực hiện trên nhiều công cụ phái sinh khác nhau.
Các quy định về hoạt động tự doanh chứng khoán
Theo Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán chỉ được cấp phép hoạt động tự doanh khi có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng và đã được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Công ty chứng khoán phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của chính mình. Họ cũng buộc thông báo cho khách hàng biết nếu là đối tác trong giao dịch thoả thuận với khách hàng.
Có hai trường hợp không được xem là tự doanh gồm mua, bán chứng khoán do sửa lỗi giao dịch và mua, bán cổ phiếu của chính công ty chứng khoán. Trong trường hợp bị đình chỉ nghiệp vụ này, công ty chứng khoán chỉ được bán chứ không được tăng thêm các khoản đầu tư (trừ khi phải mua để sửa lỗi giao dịch, làm tròn lô lẻ hoặc thực hiện quyền liên quan đến chứng khoán đang nắm giữ).
Tách biệt quản lý giữa hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới: Công ty thực hiện đồng thời nghiệp vụ môi giới và tự doanh chứng khoán cần tách biệt 2 hoạt động này về cả quy trình nghiệp vụ, con người, tài sản và vốn cho từng loại.
Ưu tiên bình ổn giá thị trường chứng khoán: Vai trò của nghiệp vụ tự doanh là đảm bảo cho giá cả các loại chứng khoán trên thị trường giữ được trạng thái bình ổn.
Tạo tính thanh khoản cho thị trường: Quy định này áp dụng với các chứng khoán mới, chưa có thị trường giao dịch. Lúc này, hoạt động tự doanh giữ vai trò tạo tính thanh khoản, nhu cầu mua bán giao dịch của thị trường cấp 2.
HoSE và HNX quy định lệnh tự doanh của công ty chứng khoán trong nước có ký hiệu là P, nhằm phân biệt với lệnh của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Các phương thức tự doanh chứng khoán hiện nay
Mỗi công ty môi giới sẽ có mục đích và chiến lược riêng khi mở thêm nghiệp vụ tự doanh chứng khoán. Có thể chia hoạt động tự doanh chứng khoán thành 6 hình thức:
Xem thêm:
Các loại thuế và phí khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần biết
Thao túng thị trường chứng khoán là gì
Hoạt động tự doanh đầu tư chênh lệch giá
Công ty môi giới thực hiện mua với giá thấp và bán với giá cao để ăn chênh lệch giá, thường đầu tư trong ngắn hạn.
Tự doanh đầu tư ngân quỹ
Tất cả các doanh nghiệp đều cần dự trữ một lượng tiền mặt (có thể ở dạng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng hoặc chứng khoán ngắn hạn có tính thanh khoản cao) để phục vụ yêu cầu chi trả dự phòng các nhu cầu khác nhau. Sử dụng nguồn tiền dự phòng nhàn rỗi một cách hợp lý cũng có thể tạo ra lợi nhuận.
Đầu tư tự vệ
Công ty chứng khoán sẽ sử dụng các công cụ phòng vệ như future, option, swap… để loại trừ rủi ro từ các hoạt động đầu tư khác nhằm bảo vệ trước sự biến động bất thường của giá chứng khoán.
Hoạt động tự doanh đầu cơ
Công ty sẽ mua số lượng lớn chứng khoán với giá thấp và bán ra với giá cao hơn trong tương lai. Lợi nhuận của hoạt động đầu cơ này đến từ sự biến động mạnh của giá chứng khoán.
Tạo lập thị trường
Công ty chứng khoán sẽ nắm giữ chứng khoán mới, với khối lượng và thời gian nhất định, chấp nhận rủi ro. Mục đích của hoạt động này là công ty chứng khoán đóng vai trò tạo lập thị trường, thường xuyên niêm yết mức giá chào mua, chào bán để kích thích các nhà đầu tư khác giao dịch nhằm thúc đẩy và tạo ra thị trường giao dịch cho chứng khoán đó.
Tự doanh nắm quyền kiểm soát
Mục đích của chiến lược này nhằm thao túng hoặc nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp phát hành chứng khoán với điều kiện công ty phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh và cán bộ có trình độ cao để kiểm soát tổ chức đó để thu về lợi nhuận. Chiến lược này thường áp dụng với các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển hoặc bán lại cho các đối tác trên thị trường nhưng hiện tại đang làm ăn không hiệu quả do quản lý kém.
Các hình thức giao dịch tự doanh chứng khoán
Giao dịch trực tiếp
Với hình thức này, công ty chứng khoán sẽ thực hiện thương lượng và giao dịch với nhà đầu tư với vai trò là một khách hàng tham gia vào thị trường chứng khoán. Đối tượng áp dụng hình thức này là những mã chứng khoán niêm yết trên thị trường OTC.
Giao dịch gián tiếp
Công ty môi giới chứng khoán đặt lệnh giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán với vị trí khách hàng, nhà đầu tư. Các sàn HOSE và HNX quy định lệnh tự doanh của công ty chứng khoán trong nước có ký hiệu là P – Điều này giúp phân biệt với lệnh của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp đang thực hiện giao dịch tự doanh chứng khoán.
Yêu cầu với công ty tự doanh chứng khoán
Hoạt động tự doanh chứng khoán được quản lý rất nghiêm ngặt để giữ sự công bằng cho thị trường chứng khoán. Các công ty muốn mở hoạt động tự doanh phải tuân thủ những quy định sau:
Yêu cầu về vốn pháp định
Theo quy định tại Điểm b, khoản 1, điều 18 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP: Để doanh nghiệp được thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, vốn pháp định phải từ 100 tỷ đồng trở lên. Quy định này áp dụng với tất cả công ty chứng khoán 100% vốn Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Yêu cầu về hoạt động tự doanh chứng khoán
Theo điều 22, Thông tư số 121/TT-BTC, hoạt động tự doanh chứng khoán cần đảm bảo yêu cầu:
- Công ty cần đảm bảo có đủ tiền hoặc chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch của mình, sau khi đã ưu tiên các lệnh của khách hàng.
- Hoạt động tự doanh cần phải được thực hiện dưới danh nghĩa của chính công ty môi giới chứng khoán, không được cho phép bên khác sử dụng tài khoản tự doanh của mình.
- Hoạt động mua/ bán chứng khoán do sửa lỗi giao dịch, mua/ bán cổ phiếu của chính mình không được xếp vào nghiệp vụ tự doanh.
- Công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh cần ưu tiên khách hàng giao dịch trước. Nếu công ty giao dịch với khách hàng thì phải công khai mình là đối tác trong các giao dịch thỏa thuận.
- Nếu lệnh mua chứng khoán của khách hàng ảnh hưởng đến giá mã chứng khoán đó thì công ty không được mua – bán cùng loại chứng khoán đó, cũng không được tiết lộ thông tin cho bên thứ 3.
Nếu khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty không được đặt lệnh giao dịch cùng chiều với loại chứng khoán đó, mức giá không được phép bằng hoặc tốt hơn mức giá khách hàng đưa ra, trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.
Quy trình tự doanh chứng khoán trên thị trường hiện nay
Quy trình của hoạt động tự doanh thông thường sẽ bao gồm 5 bước cơ bản như sau:
- Xây dựng chiến lược đầu tư chứng khoán: Mỗi công ty môi giới chứng khoán sẽ xây dựng và xác định cụ thể chiến lược đầu tư chủ động/ thụ động, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp.
- Khai thác tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các thị trường phát hành hoặc lưu thông, thị trường đã niêm yết hoặc chưa niêm yết.
- Phân tích, đánh giá tiềm năng cơ hội đầu tư. Các chuyên gia tài chính của công ty sẽ phân tích thị trường, đánh giá cơ hội sinh lời, điều tiết thị trường… và đưa ra kết luận về mã chứng khoán, khối lượng và giá cả để đầu tư.
- Thực hiện giao dịch: Lúc này, công ty thực hiện nghiệp vụ mua/bán chứng khoán, giao dịch tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động tự doanh.
- Quản lý hoạt động đầu tư và thu hồi vốn: Theo dõi biến động thị trường, quản lý nguồn vốn đã đầu tư và tìm kiếm cơ hội mới.