Khối ngoại bán ròng hơn 1 tỷ USD khỏi chứng khoán trong năm 2023
Khối ngoại bán ròng mạnh trong năm 2023
Khối ngoại đã bán ròng hơn 24.830 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, khỏi sàn HoSE trong năm 2023. Chỉ tính riêng trong tháng 12, khối ngoại bán ròng hơn 9.8 ngàn tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục về bán ròng trong năm 2023. Trong khi tháng 11 là 3.9 ngàn tỷ đồng. Và 2023 trở thành năm bán ròng mạnh thứ 2 trong 10 năm qua, chỉ xếp sau năm 2021.
Ngược lại với sàn HOSE, trên HNX, dù giảm khá sâu về giá trị ròng (-78%, đạt hơn 104 tỷ đồng) so với tháng trước, khối ngoại vẫn tiếp tục giữ vững lực mua ròng. Tính từ đầu năm đến ngày 29/12/2023, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn này đạt hơn 2.8 ngàn tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ ngày 1 đến ngày 26/1, khối ngoại bán ròng 18 phiên liên tiếp trên HOSE. Động thái này phần nào tác động lên tâm lý của các nhà đầu tư và khiến chỉ số chịu áp lực.
Ông Võ Kim Phụng – Phó Phòng phân tích Chứng khoán Beta cho biết, việc khối ngoại bán ròng liên tục với giá trị lớn đã phần nào tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, dù bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện trong những tháng cuối năm và có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường như xu hướng giảm của lãi suất và hiện đang neo ở vùng thấp lịch sử.
Đến những phiên cuối cùng của năm, tâm lý thận trọng của thị trường dần được nới lỏng, chỉ số đi lên mượt mà hơn. Năm 2023 khép lại trong sắc xanh, dừng ở mức 1,129.93 điểm, tăng hơn 12% so với đầu năm và tăng hơn 3% so với đầu tháng. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng rục rịch trở lại thị trường với 3 phiên mua ròng liên tiếp, từ 27-29/12.
Nhóm cổ phiếu bị bán ròng
Cổ phiếu VHM tiếp tục đứng dầu danh sách các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tháng, hơn 1.2 ngàn tỷ đồng trên HOSE. Còn cổ phiếu HPG là cổ phiếu bị bán ròng mạnh thứ 2, gần 973 tỷ đồng. Tháng trước, HPG đứng ở hàng đầu các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất. Mặt khác, khối ngoại cũng bán ròng mạnh chứng chỉ quỹ của ETF VFMVN DIAMOND – FUEVFVND, gần 960 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, sau thời gian bị “thất sủng”, MWG được khối ngoại quan tâm lại, trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trên HOSE trong tháng 12, giá trị 175 tỷ đồng. Xếp sau là VHC, giá trị mua ròng 153 tỷ đồng; trong tháng qua, nhóm quỹ Dragon Capital rời ghế cổ đông lớn của VHC, sau khi quỹ thành viên Norges Bank thoái 100 ngàn cp (phiên 13/12), đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm này xuống còn 4.97%, tương đương 9.29 triệu cp.
Trên HNX, phe bán áp đảo khiến cổ phiếu SHS bị bán ròng mạnh nhất, 143 tỷ đồng, ghế cổ đông lớn của PYN ELITE FUND tại SHS cũng “rung lắc” sau thời gian rất ngắn. Quỹ đến từ Phần Lan này chỉ mới trở thành cổ đông lớn của SHS vào ngày 01/12 sau khi mua vào 3 triệu cp, tăng tỷ lệ sở hữu lên 5.27% (42.8 triệu cp), nhưng đến ngày 04/12, quỹ này đã bán ra với cùng số lượng cổ phiếu đã mua vào nói trên, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4.9% (39.8 triệu cp) và không còn là cổ đông lớn của SHS.
Trong khi đó, với sự lấn át của phe mua, cổ phiếu IDC và CEO lần lượt trở thành những cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, đạt giá trị 265 tỷ đồng và 107 tỷ đồng.
Trên thực tế, đà mua ròng của khối ngoại trên HOSE được duy trì trong quý đầu năm, thời điểm mà TTCK có diễn biến kém tích cực; và bắt đầu bán ròng từ tháng 04/2023 – nay, khép lại năm 2023 với giá trị bán ròng gần 24.5 tỷ đồng, tính tới ngày 29/12. Đây là mức bán ròng mạnh thứ 2 trong 10 năm qua, chỉ sau năm diễn ra dịch COVID-19 (năm 2021, bán ròng 56.2 ngàn tỷ).
Nguyên nhân khối ngoại mạnh tay bán ròng
Trước đó, đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều bên quan sát thị trường lý giải.
“Trong thời gian qua, mức tăng trưởng của các thị trường châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam không tốt; nhất là Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Việt Nam có mức tăng trưởng rất kém, thậm chí âm. vỞ góc độ đầu tư của các quỹ, khi nhìn vào các thị trường tăng trưởng kém như vậy, họ sẽ e dè đầu tư; dù kinh tế đang hồi phục, những quốc gia này cũng đang cho thấy đà hồi phục kém”,
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCK Yuanta nhìn nhận.
Cùng quan điểm như trên, Ông Phạm Hải Hoàng, CFA – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) cho biết:
“Nói khối ngoại cơ cấu danh mục hơi bị khiên cưỡng, có thể họ chuyển tiền ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác, hoặc chuyển về nước họ đầu tư cái khác thì hợp lý hơn”.
Ông Hải Hoàng phân tích trong 4 năm gần đây, các năm khối ngoại bán ròng mạnh 2020, 2021, 2023 là những năm TTCK tích cực; còn năm các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2022 là năm kém nhất từ trước tới nay (trừ năm 2008).
“Chúng ta không nên bi quan, có khi khối ngoại bán là tin tích cực đối với TTCK Việt Nam”.
ông Hải Hoàng cho biết thêm.
Năm 2023, các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên HOSE thuộc về nhóm ngân hàng, đứng đầu là EIB (hơn 5.4 ngàn tỷ đồng), xếp sau là VPB (3.1 ngàn tỷ đồng) và STB (gần 2.6 ngàn tỷ đồng). Đặc biệt, các chứng chỉ quỹ của ETF VFMVN DIAMOND (FUEVFND) và ETF SSIAM VNFIN LEAD (FUESSVFL) cũng rơi vào danh sách bị bán ròng mạnh nhất năm, với giá trị ròng lần lượt là 2.5 ngàn tỷ đồng và 1.5 ngàn tỷ đồng.
Chiều mua, nhóm thép như HPG và HSG là 2 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất năm, lần lượt gần 3 ngàn tỷ đồng và 1.4 ngàn tỷ đồng. Đứng thứ 3 là cổ phiếu STG, gần 1.3 ngàn tỷ năm 2023.
Trên HNX, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là IDC, gần 1.5 ngàn tỷ đồng, SHS là cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ 2 với 752 tỷ đồng.