Kinh tế Mỹ ra sao sau thông báo áp thêm thuế với hàng Trung Quốc
Hôm 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo áp mới và tăng thuế với hàng loạt sản phẩm từ Trung Quốc. Trong đó, thuế với xe điện sẽ tăng lên 102,5% trong năm nay, từ mức 27,5%. Thuế với pin lithium-ion (loại dành cho ôtô điện) cũng tăng hơn 3 lần, lên 25%.
Pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và thiết bị y tế cũng bị tăng thuế. Tổng giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng khoảng 18 tỷ USD. Các nhà kinh tế học cho rằng trong ngắn hạn, thuế này sẽ không tác động đáng kể lên GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Với Trung Quốc, việc áp thêm thuế cũng có thể không ảnh hưởng ngay lập tức. Bởi, nhà sản xuất xe điện hàng đầu nước này chưa hiện diện nhiều tại Mỹ, còn pin năng lượng mặt trời xuất khẩu chủ yếu qua nước thứ ba.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, bức tranh lại rất phức tạp. “Thuế này là điềm báo cho quan hệ kinh tế Mỹ – Trung sẽ đóng băng trong thời gian dài”, Joe Brusuelas – nhà kinh tế học tại RSM US nhận định trên CNN.
Xe chạy nhiên liệu mới của Trung Quốc chờ xuất khẩu tại cảng Taicang ở Giang Tô. Ảnh: Reuters
Đợt áp thuế gần đây nhất của Mỹ lên Trung Quốc là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump năm 2018 và 2019, với số hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ USD. Chính sách này vẫn đang áp dụng.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, Trump cho biết nếu tái đắc cử, ông sẽ nâng thuế nhập khẩu toàn diện, không chỉ với Trung Quốc. Các nhà kinh tế học cảnh báo việc này sẽ gây ra thất nghiệp hàng loạt, lạm phát lên cao.
Tác động lên tăng trưởng kinh tế, lạm phát và Fed
Thuế mới sẽ được chính quyền Biden áp dụng trong năm nay, số ít mặt hàng vào 2026. Chính sách này được công bố trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ vững mạnh, tăng trưởng tốt và tiêu dùng sôi động. Tuy nhiên, cuộc chiến lạm phát vẫn kéo dài, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì lãi suất ở mức cao.
Kế hoạch tăng thêm thuế của Biden được đánh giá sẽ không làm thay đổi chính sách tiền tệ của nước này. “Thuế mới gần như sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát và GDP, cũng như chính sách tiền tệ. Fed sẽ không quan tâm đến việc này khi cân nhắc lãi suất”, Ryan Sweet – kinh tế trưởng tại Oxford Economics nhận định.
Tác động lên sản xuất trong nước
Năm 2002, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush áp thuế lên nhôm, thép. Các nghiên cứu sau đó chỉ ra, chính sách này khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 30 triệu USD. Nó cũng kéo chi phí của các lĩnh vực sử dụng thép lên cao và gây thất nghiệp hàng loạt trong ngành này, nhất là tại các công ty nhỏ.
7 năm sau, cựu Tổng thống Barack Obama tăng thuế với lốp Trung Quốc, giúp 1.200 lao động ngành sản xuất này bị mất việc. Tuy nhiên, người Mỹ thiệt hại 1,1 tỷ USD vì giá tăng cao, theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Đến 2019, nghiên cứu của Fed cho thấy thuế nhập khẩu mà Trump áp dụng không làm tăng việc làm ngành sản xuất trong ngắn hạn. Thậm chí, nó còn gây ra thất nghiệp, giá cả tăng do chi phí đầu vào cao và kéo theo động thái trả đũa của các nước.
Tác động lên người tiêu dùng
Sweet cho biết thuế nhập khẩu thường mang ý nghĩa về chính trị hơn là kinh tế. “Phần lớn nhà kinh tế học coi thuế này là ý tưởng tồi tệ. Vì nó ngăn quốc gia đó hưởng lợi từ chuyên môn hóa lao động, gây gián đoạn dòng chảy sản phẩm – dịch vụ và khiến tài nguyên không được phân phối hợp lý”, Sweet nói.
Thuế này sẽ khiến các công ty phân phối, hãng bán lẻ và người tiêu dùng bị “đội” chi phí. Nghiên cứu năm 2023 của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy các hãng “phải gánh gần như toàn bộ chi phí” từ thuế nhập khẩu của Trump.
Tệ hơn nữa, một số doanh nghiệp được cho là đã lợi dụng chiến tranh thương mại để đẩy giá hàng hóa. Goldman Sachs phát hiện một số hãng sản xuất Mỹ và xuất khẩu ngoài Trung Quốc nâng giá sản phẩm với lý do thuế nhập khẩu tăng. Báo cáo của Fed New York cho thấy thuế mà Trump áp năm 2018 khiến các hộ gia đình Mỹ phải trả thêm 419 USD mỗi năm.
Theo thời gian, tác động kinh tế tích cực của việc áp thuế càng khó xác định. Báo cáo đầu năm nay của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) cho thấy nếu tính thuế nhập khẩu, thuế trả đũa và trợ cấp nông nghiệp, hiệu quả của chính sách này bằng 0. “Thậm chí, nó còn gây ra tiêu cực với doanh nghiệp và việc làm tại Mỹ”, NABER cho biết.
Dòng chảy hàng nhập khẩu
Đại dịch đã làm thay đổi tác động của thuế nhập khẩu thời Trump lên sản xuất và thương mại Mỹ. Trước Covid-19, các hãng nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu tìm sản phẩm thay thế hàng Trung Quốc. Nhưng khi đại dịch xuất hiện và nhu cầu của người dân tăng lên, tồn kho trong nước giảm nhanh chóng. Nhập khẩu từ Trung Quốc vì thế tăng trở lại, Wells Fargo cho biết trong báo cáo hồi tháng 4.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại giảm 3% so với năm 2019. Ngược lại, hàng nhập từ một số nước châu Á vào Mỹ tăng 50%.
“Một phần nguyên nhân có thể là doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy sang các nước này để né thuế khi vào Mỹ”, Nicole Cervi – nhà kinh tế học tại Wells Fargo cho biết.
Các số liệu hàng hải gần đây cũng củng cố ngờ vực Trung Quốc đang lách thuế vào Mỹ qua Mexico, Peter Sand – nhà phân tích tại hãng dữ liệu logistics Xeneta nhận định. Chính quyền Biden đang tìm cách siết hoạt động này và gây sức ép lên nước láng giềng, để ngăn Trung Quốc thông qua nước này bán kim loại sang Mỹ.