Môi giới chứng khoán là gì, vai trò của môi giới chứng khoán
Môi giới chứng khoán là gì?
Hoạt động môi giới chứng khoán có chủ thể thực hiện là các tổ chức, cá nhân có chuyên môn và có nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Phương thức thực hiện là ký hợp đồng dịch vụ giữa bên môi giới và bên được môi giới, dịch vụ cung cấp vô cùng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng.
Trong hoạt động môi giới chứng khoán, khách hàng sẽ chịu một khoản phí hoa hồng cho công ty chứng khoán. Theo đó, Công ty chứng khoán sẽ trở thành bên đại diện, bảo vệ quyền lợi, đưa ra những lời khuyên, vạch định hướng giao dịch có lợi cho khách hàng. Những lời khuyên này dựa trên việc tìm hiểu, đánh giá, tổng hợp, kiểm tra các thông tin trên thị trường chứng khoán cả trong và ngoài nước.
Môi giới chứng khoán là một công việc đòi hỏi bạn phải có kĩ năng ở đa lĩnh vực. Ngoài việc tư vấn cho khách hàng, bạn còn làm chuyên gia phân tích các cơ hội đầu tư và đưa ra phương pháp xử lý rủi ro cũng như hỗ trợ và chăm sóc các vấn đề liên quan cho khách hàng. Nhìn chung, công việc của môi giới chứng khoán khá áp lực, với cường độ làm việc cao, nhưng bù lại là mức thu nhập đáng mơ ước.
Dịch vụ môi giới chứng khoán giúp nhà đầu tư định hướng giao dịch sinh lời dựa trên sự hiểu biết, đánh giá, tích hợp và kiểm chứng thông tin trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, cổ phiếu và trái phiếu.
Vai trò của môi giới chứng khoán bao gồm: kết nối các nhà đầu tư với nhau, phát triển thị trường chứng khoán, cắt giảm chi phí giao dịch, hình thành văn hoá đầu tư…
Đặc điểm của hoạt động môi giới chứng khoán là gì
Những đặc điểm của hoạt động môi giới chứng khoán bao gồm:
Chủ thể thực hiện là các tổ chức, cá nhân có chuyên môn và có nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Tại Việt Nam các chủ thể này thường là công ty chứng khoán, được cấp phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán. Đối với mỗi loại dịch vụ môi giới đều phải đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán và các cơ quan có thẩm quyền khác.
Phương thức thực hiện là ký hợp đồng dịch vụ giữa bên môi giới và bên được môi giới. Đây là công cụ pháp lý để hai bên có thể thực hiện trách nhiệm của nhau. Bên môi giới có trách nhiệm đại diện cho khách hàng mua hộ và bán hộ chứng khoán. Bên được môi giới có trách nhiệm trả phí hoa hồng cho bên môi giới khi giao dịch hoàn thành.
Bên môi giới không cần phải sắp xếp cho người mua và người bán chứng khoán gặp nhau để thương lượng và ký kết hợp đồng. Bởi vì họ đóng vai trò là trung gian giữa người mua và người bán, thực hiện toàn bộ hành vi mua bán chứng khoán trên cơ sở ký kết hợp đồng môi giới hay hợp đồng mua hộ bán hộ chứng khoán.
Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, bên môi giới phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán riêng cho mỗi khách hàng. Sau khi đạt được thoả thuận giữa hai bên mua và bán thì tài khoản này sẽ dùng để chuyển giao chứng khoán cho người mua và chuyển tiền chứng khoán cho người bán.
Vai trò của môi giới chứng khoán là gì
Vai trò chính của môi giới chứng khoán là kết nối các nhà đầu tư với nhau, phát triển thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nhờ lợi thế chuyên môn của hoạt động môi giới chứng khoán mà chi phí giao dịch được giảm thiểu. Do giao dịch chứng khoán là giao dịch tài sản vô hình, rất khó để hai bên mua bán thống nhất về khối lượng, giá cả cũng như tìm kiếm, trao đổi chứng khoán với nhau và hoàn thành các giao dịch, thanh toán và chuyển giao chứng khoán với chi phí thấp.
Hoạt động môi giới chứng khoán giúp cắt giảm các loại chi phí như: tìm kiếm đối tác mua và bán, thẩm định chất lượng chứng khoán, tiến hành thu thập và xử lý thông tin, phân tích và tiến hành giao dịch trên thị trường.
Trong quá trình làm trung gian giữa hai bên mua và bán, các nhân viên môi giới nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, phản ánh lại với người cung cấp dịch vụ và sản phẩm. Nhờ đó mà sản phẩm và dịch vụ của thị trường chứng khoán có cơ sở để phát triển hơn, đa dạng hoá hơn, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư, góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Sự ra đời của hoạt động môi giới chứng khoán giúp các nhà đầu tư tiếp cận được với chứng khoán tiềm năng, đúng theo nhu cầu của họ và phù hợp với tài chính của họ. Ngoài ra, họ còn được cung cấp thêm nhiều kiến thức và thông tin mới về thị trường.
Lâu dần, nhà đầu tư tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về đầu tư chứng khoán. Đồng thời hình thành thêm khả năng dự đoán, lựa chọn sản phẩm sao cho tối đa hoá lợi nhuận và giảm bớt rủi ro. Từ đây để hình thành văn hóa đầu tư tài chính.
Từ hoạt động môi giới chứng khoán, các cơ quan quản lý chức năng có thẩm quyền cũng sẽ được cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán. Chẳng hạn như thông tin cổ phiếu, thông tin giao dịch, thông tin tổ chức phát hành… từ đó họ có thêm cơ sở dữ liệu hữu ích cho việc điều chỉnh và quản lý thị trường cho hợp lý.
Ưu và nhược điểm của môi giới chứng khoán là gì
Ưu điểm
Tiện lợi: Hai bên mua bán hoàn toàn không cần phải gặp nhau để thực hiện hoạt động mua bán, chỉ cần ký hợp đồng với bên môi giới chứng khoán.
Hiệu quả: Công ty chứng khoán có đội ngũ nhân viên có chuyên môn tốt, am hiểu thị trường nên họ có những phân tích, định hướng về chứng khoán, hơn nữa đặc thù công việc của họ là giúp khách hàng vừa kiếm được nhiều lợi nhuận, vừa bảo toàn được nguồn vốn nên những lời khuyên của họ dành cho nhà đầu tư là có căn cứ, cơ sở rõ ràng.
Tiết kiệm chi phí: Nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian, chi phí (gần 10 lần chi phí tự giao dịch), công sức về vấn đề thương lượng giao dịch chứng khoán, đặc biệt với những thương vụ lớn.
Nhiều lựa chọn đầu tư: Nhà đầu tư có thêm lựa chọn trong việc chọn lựa công ty môi giới cung cấp nhiều lợi ích hơn. Điều này là do số lượng công ty môi giới chứng khoán ngày một nhiều, cạnh tranh cả về quy mô hoạt động, doanh số, tệp khách hàng, nên họ có nhiều ưu đãi trong việc ký hợp đồng với khách hàng.
Công ty môi giới cung cấp nhiều dịch vụ như tra cứu tài khoản, hỗ trợ nhà đầu tư ứng trước tiền bán, cho vay cầm cố, repo cổ phiếu, tra cứu lệnh giao dịch qua tin nhắn tự động…
Hạn chế
Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh của thương hiệu một cách trái phép, sau đó dẫn đường link lạ cho khách hàng làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty chứng khoán.
Phụ thuộc lớn vào phí giao dịch với khách hàng, khi khách hàng không còn, thị trường không có gì đặc biệt thì khả năng duy trì công ty chứng khoán là rất khó khăn, có nguy cơ bị phá sản.
Điều kiện của hoạt động môi giới chứng khoán là gì
Điều kiện để hoạt động môi giới chứng khoán tại Việt Nam là bạn phải có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán và các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán như: chứng chỉ pháp luật về chứng khoán, chứng chỉ phân tích và đầu tư chứng khoán…
Phải đảm bảo có năng lực pháp luật và hành vi dân sự đầy đủ, chưa từng bị Uỷ ban chứng khoán xử phạt. Khi thực hiện hoạt động môi giới thì phải tuân thủ đúng theo nguyên tắc hành nghề.
Với những công ty chứng khoán thì cần đảm bảo đúng điều kiện về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị văn phòng, hệ thống máy tính, phần mềm phục vụ cho việc phân tích đầu tư, quản lý rủi ro, chứng từ, tài liệu, an ninh cho thông tin khách hàng…
Về vốn pháp định, hoạt động môi giới chứng khoán cần có số vốn pháp định là 25 tỷ đồng, tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỷ đồng.