Ngành chăn nuôi hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 3-4 tỷ USD vào năm 2030
Chiều 3/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai 3 Đề án chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Theo đó, cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nhiều quyết định quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đó là: Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 và Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đề ra mục tiêu sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030. Đề án đưa ra định hướng công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế (chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên…) để cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm… làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.
Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đề án đưa ra nhiều nhiệm vụ.
“Phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi ngang tầm khu vực và thế giới; bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25% đến 30% năm 2025 và từ 40% đến 50% vào năm 2030. Sản lượng trứng chế biến tăng tương ứng gấp 2 lần vào năm 2025 và gấp 3 lần vào năm 2030”.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Một là, xây dựng được ngân hàng giống quốc gia, ưu tiên các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống theo hình tháp trong sản xuất giống.
Hai là, nâng cấp, hiện đại hóa một số trung tâm giống hiện có và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi.
Ba là, đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống lợn, 80% nhu cầu giống gà, 100% nhu cầu giống vịt, 70% nhu cầu giống bò thịt.
Bốn là, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái.
Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đặt ra định hướng phát triển các cơ sở giết mổ quy mô tập trung, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.
Về phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi: mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 – 4 tỷ USD vào năm 2030.
Thu hút đầu tư chế biến quy mô lớn
Trên cơ sở các quyết định được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch chi tiết nhằm triển khai hiệu quả các Đề án.
Đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030: Tập trung nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam. Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. Từ đó, nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi; nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi.
Đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đến năm 2030: Tập trung đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Đối với Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030: Tập trung khảo sát, đánh giá định kỳ (năm 2025, 2027, 2029) về điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn chất lượng; trình độ năng lực công nghệ về giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi.
Xây dựng bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi: Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhìn nhận những năm qua ngành chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đây là nền tảng tốt đẹp, cơ sở quan trọng để định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Các đề án phát triển công nghiệp giống, thức ăn, chế biến, khoa học công nghệ được phê duyệt là tiền đề quan trọng để nâng tầm sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, thời gian, nguồn lực hạn chế nên các đơn vị có liên quan phải xác định rõ các nhiệm vụ, cụ thể hóa nội dung công việc, thời hạn, tài chính cho từng giai đoạn, sản phẩm dự kiến đạt được, không chung chung”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu phải chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trực thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương để đạt được mục tiêu đề ra. Kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các đề án vào chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch.