Nhận định nhanh – Cổ phiếu BAF (CTCP Nông nghiệp BAF)
Điểm nhấn
Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0.4767, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu BAF sẽ được quyền mua thêm 47 cổ phiếu BAF mới với giá 10,000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến BAF thu về hơn 684 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh nếu phát hành thành công. Nguồn vốn này sẽ góp phần làm giảm bớt gánh nặng chi phí lãi vay trong việc mở rộng quy mô, xây dựng trang trại mới (chi phí lãi vay ăn mòn tương đối lớn phần lợi nhuận của BAF trong nửa năm 2023 vừa rồi).
Hưởng lợi từ chính sách giá của chính phủ khi loại thịt lợn ra khỏi danh mục bình ổn giá.
Kết quả kinh doanh
Trong quý 2/2023, BAF đạt doanh thu hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 15% svck. Khấu trừ cho giá vốn, BAF lãi gộp hơn 102 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 55%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên 23 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ đạt 2.4 tỷ đồng. Chi phí tài chính – hầu hết là lãi vay – ghi nhận 45.6 tỷ đồng, gấp 30 lần đầu năm. Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ khác 17.2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 8.4 tỷ đồng). Kết quả, BAF lãi ròng 11 tỷ đồng, giảm 73% svck.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 2,400 tỷ đồng và lãi ròng gần 13 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 90% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7.1% về còn 6.5% tại cuối quý 2/2023. Chi phí lãi vay chiếm hơn 39% lợi nhuận gộp của BAF.
Triển vọng
Nông nghiệp BaF đang trong quá trình chuyển đổi kinh doanh từ mảng nông sản sang mô hình trang trại khép kín 3F (Feed – Farm – Food) khi doanh nghiệp nhận thấy mảng nông nghiệp không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Tính đến thời điểm tháng 6/2023 thì BAF đã vận hành 19 trang trại và có 9 trang trại đang phát triển. Định hướng này phù hợp với tình hình hiện tại khi giá thịt lợn đang có xu hướng tăng trở lại và việc Chính phủ thông qua luật Giá sửa đổi (loại bỏ thịt lợn ra khỏi danh mục hàng hóa bình ổn giá) sẽ góp phần làm cho giá thịt lợn tăng theo nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.
Góc nhìn kỹ thuật
Trên khung Weekly, hiện tại BAF đang giao dịch quanh vùng hỗ trợ 19,800 – 21,000. Trước đó, cổ phiếu này có một nhịp giảm tương đối lớn hơn 20%. Ba tuần gần nhất đều tăng tuy nhiên lực mua yếu với thanh khoản thấp, không vượt nến tuần ngày 14/8. Và tuần 11/9 vừa qua đã tạo nến giảm mạnh, cho thấy momentum giảm gia tăng trở lại.
Khung Daily, BAF đã hình thành cấu trúc giảm sau khi thủng hỗ trợ quan trọng 22,800 trước đó và hiện tại sau khi kiểm định lại vùng MA thì BAF đang chịu áp lực bán tuy không quá mạnh nhưng đã kìm hãm đà phục hồi của cổ phiếu này. Khả năng BAF sẽ đi sideway trong biên độ 19.9 – 20.7.
Kết luận
CTCP Nông nghiệp BaF đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, cắt giảm mảng nông sản, mở rộng mảng trang trại khép kín nên nguồn doanh thu có phần giảm sút trong thời gian gần đây. Về dài hạn thì sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào giá thịt nhưng có thể thấy được điểm sáng đó là biên lợi nhuận của mô hình kinh doanh 3F toàn ngành đang được cải thiện rõ rệt. Ngắn hạn thì BAF được hưởng lợi từ nguồn cung thịt thiếu hụt trong thời gian gần đây và nhu cầu tiêu dùng sẽ gia tăng trong dịp cuối năm.
Tóm lại, giá cổ phiếu đang tìm vùng tích luỹ mới nên chờ dòng tiền quay trở lại, thể hiện qua khối lượng giao dịch, thì có thể tìm kiếm vị thế ngắn hạn cho giai đoạn cuối năm nay.