Nhận định VN- INDEX tuần qua: thị trường giằng co trong lúc chờ tin FED
Phiên đầu tuần thị trường chứng khoán, VN-Index điều chỉnh về vùng giá quanh 1.235 điểm, tương ứng đường giá trung bình MA20 phiên và phục hồi tốt trong 02 phiên tiếp theo, vượt lên lại vùng giá đỉnh cao nhất năm 2023. Trong 02 phiên cuối tuần VN-Index lại chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự mạnh 1.280 điểm, tiếp tục rung lắc rất mạnh trong phiên kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.255 điểm.
Kết thúc tuần VN-Index tăng 1,32% so với tuần trước lên mức 1.263,78 điểm, duy trì xu hướng tích cực trên vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.245 điểm – 1.255 điểm. HNX-Index kết tuần ở mức 239,54 điểm tăng 1,36% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 126.155,54 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,6% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình với khối lượng giao dịch trung bình của VN-Index hơn 900 triệu cổ phiếu/phiên.
Diễn biến cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì tốt trong thị trường, luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành, mặc dù áp lực bán ngắn hạn vẫn gia tăng mạnh ở nhiều mã/nhóm mã.
Trong tuần vẫn có rất nhiều mã/nhóm mã tăng giá mạnh, nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su, nhiều mã tẳng giá mạnh, thanh khoản đột biến như GVR (+19,31%), DPR (+19,06%), SIP (+11,34%), VGC (+10,52%), SNZ (+9,94%), PHR (+9,07%).
Các cổ phiếu bất động sản mặc dù phân hóa rất mạnh và là nhóm có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung từ đầu năm đến nay, nhiều mã cũng có thanh khoản đột biến, tăng giá mạnh trong tuần như VRC (+16,01%), NHA (+12,95%), NTL (+9,10%), HDC (+8,99%), CSC (+8,39%).
Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực hơn, ảnh hưởng mạnh đến biến động liên tục của chỉ số trong tuần, đa số giảm điểm, thanh khoản dưới mức trung bình với PGB (-3,45%), LPB (-3,22%), NAB (-2,66%), SHB (-2,56%)… ngoài các mã khá tích cực như VIB (+4,41%), SGB (+2,21%), BID (+2,15%).
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và bán ròng khá đột biến với giá trị lên đến 2.600,66 tỷ đồng trên HOSE; bán ròng trên HNX với giá trị 88,15 tỷ đồng.
Nhận định từ chuyên gia
Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng chưa xuất hiện những rủi ro quá lớn nhưng thị trường dần ghi nhận nhiều hơn các yếu tố tiêu cực. Hiện thị trường thế giới đang ở vùng nhạy cảm khi đà tăng của các TTCK đang chững lại khi vào tín hiệu quá mua và chờ đợi kỳ họp của FED ở giữa tuần tới.
Chờ đợi động thái mới của FED
CPI của Mỹ tháng Hai tiếp tục tăng cao và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trở lại là những tín hiệu rất cần đáng lưu ý. Kỳ họp của FED vào ngày 20-21/3 tới đây sẽ mang tính định hướng rất lớn cho các thị trường tài sản.
Trong nước, các yếu tố mang tính tích cực nền tảng như môi trường lãi suất thấp hay quá trình phục hồi kinh tế vẫn là điểm sáng, cũng câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn được kể, tuy nhiên cũng dần xuất hiện các yếu tố tiêu cực đáng lưu ý. Đó là vấn đề tỷ giá và việc lợi suất trái phiếu đã có xu hướng tăng trở lại. Thị trường trong nước tuần tới khả năng sẽ giao dịch nghe ngóng thị trường thế giới.
Động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian khoảng 2 tuần qua theo ông Huy là diễn biến tiêu cực dễ hiểu. Mặt khác tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng trở nên trung tính hơn, một bên là sự hưng phấn vẫn được duy trì, nhưng một bên là tâm lý chốt lời và phòng thủ với những rủi ro dần xuất hiện.
“Tuần giao dịch tới sẽ cực kỳ quan trọng với nhiều sự kiện đáng chú ý. Các yếu tốt rủi ro mới dần xuất hiện, và chưa quá tiêu cực nhưng tôi thiên về kịch bản thị trường sẽ chịu áp lực trong tuần tới. Ngưỡng kháng cự hiện tại của VN-Index quanh vùng 1.280-1.300 điểm; trong khi đó hỗ trợ quan trọng quanh 1.235-1.240 điểm. Nếu VN-Index thủng vùng hỗ trợ này, vùng hỗ trợ tiếp theo sẽ quanh 1.160-1.180 điểm”, Chuyên gia DSC nhận định.
Ông Huy duy trì quan điểm xác suất cao hơn là vùng 1.280-1.300 điểm có thể là vùng đỉnh quý 1/2024 cũng như nửa đầu năm. Còn lại xác suất thấp hơn là 35% thị trường sẽ có thể bứt phá khỏi vùng 1.300 điểm.
Giám đốc DSC khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ tỷ trọng vì những tín hiệu suy yếu xuất hiện nhiều hơn. Khả năng bứt phá được đánh giá thấp hơn khả năng thị trường sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh. Đối với luân chuyển nhóm cổ phiếu, ông Huy cho rằng ở giai đoạn này, dòng tiền khả năng sẽ lan tỏa đến nhóm cổ phiếu chưa tăng trong thời gian qua và đang yếu hơn thị trường chung như bất động sản, điện nước xăng dầu khí đốt, dầu khí… Trong khi đó các nhóm đã tăng mạnh sẽ chịu áp lực bán rõ ràng hơn, đặc biệt cần cẩn trọng hơn với các nhóm đã suy yếu như ngân hàng, tài nguyên cơ bản…
Thị trường tiếp tục trải qua những nhịp tăng/giảm với biên độ rộng
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích – Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng thị trường sẽ phải tiếp tục trải qua những nhịp tăng/giảm với biên độ rộng trong tuần tới trước khi xuất hiện xu hướng rõ ràng hơn do vùng 1.280-1.300 điểm được đánh giá là ngưỡng cản khá mạnh của VN-Index. Bên cạnh đó, những chỉ báo về động lượng đang có phần suy yếu cho thấy chỉ số sẽ cần thời gian tích lũy trở lại nếu như muốn tiếp tục xu hướng tăng điểm chủ đạo. Rủi ro thiết lập mô hình hai đỉnh chỉ được thực sự tính đến trong kịch bản ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý 1.250 điểm bị phá vỡ.
Chuyên gia đến từ Agriseco nhận định việc hút tiền thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở trước mắt chỉ gây ảnh hưởng lên tâm lý của các nhà đầu tư chứ chưa thực sự tác động lên thanh khoản của thị trường do quy mô hút ròng tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa phải quá lớn. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không sớm có dấu hiệu hạ nhiệt, NHNN sẽ buộc phải đẩy mạnh hút ròng với quy mô lớn hơn hoặc sử dụng các biện pháp can thiệp mạnh tay hơn. Đây vẫn sẽ là yếu tố cần theo dõi sát sao trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng hạn chế giải ngân hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và theo đó là thanh khoản tiền đồng trong nền kinh tế. Đồng thời hoạt động sản xuất cũng như kết quá kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng chịu tác động tiêu cực khi mà tỷ giá tăng sẽ khiến cho chi phí bị đội lên rất nhiều. Và cuối cùng là việc nếu tỷ giá tiếp tục duy trì đà tăng, NHNN có thể phải xem xét việc tăng lãi suất trở lại và khiến cho các doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay cao hơn.
Bàn về động thái khối ngoại đẩy mạnh đà bán ròng trong tuần qua, ông Khoa đánh giá đa phần xuất phát từ việc các quỹ ETF thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư. Đây là hoạt động mua bán thông thường và đã được thông báo từ trước nên ảnh hưởng đến thị trường được cho là không đáng kể.
“Xu hướng bán ròng của các khối ngoại đã diễn ra trong nhiều tháng trở lại đây và chưa có dấu hiệu sẽ sớm đảo chiều. Việc dự báo thời điểm khối ngoại dừng bán không đem lại nhiều ý nghĩa khi mà TTCK kể từ thời điểm cuối năm 2023 cho đến nay vẫn tiếp tục ghi nhận diễn biến khởi sắc mặc dù các NĐTNN đẩy mạnh đà bán ròng với quy mô lớn”, ông Khoa cho hay.
Chuyên gia Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở trong thời gian qua, hạn chế giải ngân trong các nhịp tăng điểm hưng phấn và sử dụng margin một cách mạnh tay. Việc duy trì một lượng tiền mặt khoảng 30% được đánh giá là phù hợp để chờ các cơ hội giải ngân mới khi xuất hiện các nhịp điều chỉnh do xu hướng tăng điểm trong trung và dài hạn của chỉ số vẫn đang đóng vai trò chủ đạo.
Một vài nhóm ngành đáng lưu ý được kỳ vọng sẽ tiếp tục hút tiền trong thời gian tới bao gồm nhóm ngành ngân hàng, thủy sản, dệt may và logistics.
Thận trọng trước phiên họp của FED
Theo quan điểm của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect, thị trường chứng khoán hướng tới tuần giao dịch quan trọng khi Fed sẽ có cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra trong ngày 19-20/3 tới và chỉ số VN-Index có thể “test” lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm.
Ông Hinh cho biết thị trường đang kỳ vọng những hé lộ mới về hướng đi tiếp theo của Fed, cụ thể là thời điểm dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành và mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay. Nếu kịch bản của Fed đưa ra không quá “diều hâu” so với kỳ vọng trước đó của thị trường (bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 và có ít nhất 3 đợt cắt giảm trong năm 2024) thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực của các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Quay lại các vấn đề trong nước, việc thị trường chứng khoán phản ứng không quá tiêu cực về động thái phát hành tín phiếu nhờ thị trường hiện tại đang có nhiều yếu tố hỗ trợ so với thời điểm cơ quan điều hành có động thái tương tự vào năm ngoái, bao gồm triển vọng phục hồi kinh tế rõ rệt hơn, bức tranh KQKD quý 1 dự kiến tích cực và là bệ đỡ cho thị trường cộng thêm dòng tiền trong nước đang khá quyết liệt, được hậu thuẫn bởi môi trường lãi suất thấp và tâm lý kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường.
Nhìn chung, xu hướng tăng từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm trong tuần tới. Chuyên gia VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phiếu, ưu tiên phân bổ vào những nhóm cổ phiếu đang có yếu tố cơ bản hỗ trợ như nhóm cổ phiếu chứng khoán, tiêu dùng, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp.