Thứ Năm 02/01/2024

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023

Kinh tế thế giới năm 2023 đương đầu với nhiều vấn đề như lạm phát kéo dài và lãi suất cao. Bên cạnh đó là mức nợ lớn và hệ quả của thời kỳ chống dịch và căng thẳng địa chính trị. Đứng trước bối cảnh đầy thách thức, các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực cân bằng giữa các nhiệm vụ khó khăn để giữ nhịp phục hồi. Song không phải tất cả các nền kinh tế đều đạt được kết quả như mong muốn. Dưới đây là 10 vấn đề kinh tế thế giới năm 2023.

GM Invest

Khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

Mùa xuân năm 2023, thị trường tài chính thế giới rúng động khi cuộc khủng hoảng của các ngân hàng khu vực ở Mỹ bất ngờ bùng nổ. Với ngân hàng đầu tiên sụp đổ là Silicon Valley Bank (SVB). Giới đầu tư và chuyên gia lo ngại hiệu ứng domino sẽ xuất hiện và kéo sập hàng loạt nhà băng khác.

Khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

Hiện tượng rút tiền ồ ạt và bán tháo cổ phiếu tiếp tục xảy ra tại một mắt xích yếu tiếp theo, dẫn tới sự sụp đổ của Signature Bank và First Republic Bank. Thậm chí khiến nhà băng hàng trăm tuổi Credit Suisse của Thụy Sỹ cũng chao đảo và rốt cục bị đối thủ đồng hương UBS mua lại.

Tuy nhiên, Fed, Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), đã hành động quyết liệt và kịp thời, giữ cho hệ thống ngân hàng Mỹ đứng vững.

Kinh tế Trung Quốc lao dốc

Cuối năm 2022, khi Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 hà khắc, thế giới đã khấp khởi hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ và giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. 

Kinh tế Trung Quốc lao dốc

Nhưng chỉ sau một giai đoạn bùng nổ ngắn vào đầu năm, kinh tế Trung Quốc bắt đầu mất đà phục hồi và ngày càng đuối. Nhu cầu trong nước yếu, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu giảm sút, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, chính quyền các địa phương nợ chồng chất.

Tất cả những yếu tố này đều gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cả năm mà Chính phủ nước này đề ra.

Một năm xám xịt của kinh tế châu Âu

Trái với bức tranh kinh tế Mỹ, châu Âu đã trải qua một năm kinh tế ảm đạm. Cuộc chiến chống lạm phát của ECB đã bước đầu mang lại kết quả như mong muốn, nhưng kèm theo đó là tình trạng trì trệ của tăng trưởng. 

Một năm xám xịt của kinh tế châu Âu

Số liệu mới nhất từ cơ quan thống kê Eurostat cho thấy khu vực Eurozone chứng kiến GDP giảm 0,1% trong quý 3 so với quý 2 và chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Các con số tăng trưởng dương èo uột 0,1% của kinh tế Pháp; 0,3% của Tây Ban Nha; 0,5% của Bỉ… so với quý trước không đủ để bù lại cú giảm 0,1% của kinh tế Đức; tăng trưởng bằng 0 ở Italy và tăng trưởng âm ở một loạt nền kinh tế khác trong khối như: Áo, Bồ Đào Nha, Ireland, Estonia và Lithuania.

Gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Eurozone năm qua là lạm phát cao trong phần lớn thời gian của năm, lãi suất cao kỷ lục và chính sách tài khóa dần thắt lại. Tháng 10/2023, IMF dự báo GDP của Eurozone chỉ tăng 0,7% trong năm 2023.

Đồng Yen Nhật và áp lực mất giá

Biến động tỷ giá đồng Yên Nhật đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư toàn cầu trong năm qua. Sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) với các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed, ECB và BOE gây áp lực mất giá mạnh lên đồng Yên.

Đồng Yen Nhật và áp lực mất giá

Với mức giảm khoảng 8% so với đồng USD kể từ đầu năm, Yên Nhật là một trong những đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới năm 2023. 

Thị trường tài chính đã phấp phỏng chờ đợi một cuộc can thiệp từ nhà chức trách Nhật để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, nhưng không có động thái can thiệp nào diễn ra. Tuy nhiên, về cuối năm 2023, đồng Yên đã phục hồi sau những tín hiệu từ BOJ cho thấy Nhật Bản có thể sẽ sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm trong năm 2024. Trong tháng 12/2023, đồng Yên đã tăng khoảng 4% so với USD.

Chính sách chống lạm phát đã phát huy tác dụng

Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã được khởi động vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhằm chống lại việc lạm phát leo thang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Chính sách chống lạm phát đã phát huy tác dụng

Việc tăng lãi suất dồn dập và liên tục đã phát huy tác dụng hãm tốc độ tăng của giá cả. Khi lạm phát hạ nhiệt trong năm qua, các ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu giãn tiến độ tăng lãi suất và thị trường tài chính bắt đầu đồn đoán về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2024Tính đến cuộc họp cuối cùng của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 11 đợt tăng lãi suất, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất 10 lần, tổng mức tăng là 4,5 điểm phần trăm. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có 14 đợt tăng, với tổng mức tăng 5,15 điểm phần trăm.

Tháng 11/2023, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 của khu vực Eurozone tăng 2,4%, so với mức đỉnh hơn 10% ghi nhận trong năm 2022 và là mức tăng thấp nhất 2 năm. Tại Anh, CPI tháng 11/2023 tăng 3,9%, cũng là mức tăng thấp nhất 2 năm, từ mức đỉnh hơn 11% thiết lập trong năm 2022.

Kinh tế toàn cầu trước rủi ro địa chính trị

Trong khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ ba, một cuộc chiến tranh khác bất ngờ bùng lên vào tháng 10/2023 ở dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, các cuộc chiến này còn gây biến động thị trường tài chính và giá hàng hóa toàn cầu như năng lượng và lương thực.

Kinh tế toàn cầu trước rủi ro địa chính trị

Điều này đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát, bổ sung một biến số khó lường vào bài toán khó giải đối với các nhà hoạch định chính sách.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục giảm sút dù hai bên đã có những nỗ lực cải thiện tình hình. Một vấn đề gai góc trong quan hệ Mỹ – Trung năm vừa qua là cuộc chiến công nghệ căng thẳng, khi hai bên chạy đua quyết liệt để giành vị trí thống trị ở những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ô tô điện và năng lượng sạch. Nhiều biện pháp hạn chế thương mại đã được mỗi bên đưa ra nhằm cản bước tiến của đối phương trong các lĩnh vực này.

Trong dự báo đưa ra tháng 10/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2023, giảm từ mức 3,5% đạt được trong năm 2022.

Kinh tế Mỹ vững vàng hơn “dự đoán”

Nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào năm 2023 với những dự báo ảm đạm, nhiều chuyên gia cho rằng suy thoái sẽ xảy ra như một hệ quả tất yếu của chiến dịch tăng lãi suất dồn dập để chống lạm phát. Tuy nhiên, dự báo này đã không trở thành hiện thực. Trong ba quý đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm lần lượt là 2,2%; 2,1%; 4,9%. Công ty nghiên cứu kinh tế Conference Board mới đây dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2% trong cả năm 2023.

Kinh tế Mỹ vững vàng hơn “dự đoán”

Các nút thắt nguồn cung trong đại dịch Covid-19 được giải tỏa và lượng tiền tiết kiệm dồi dào của người tiêu dùng Mỹ được cho là hai nhân tố quan trọng giúp Fed tiến tới đạt được mục tiêu đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”: lạm phát giảm mà nền kinh tế không sụt tốc và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.

Thế giới đối mặt khủng hoảng nợ nần

Nợ nần là một chủ đề không thể không nhắc đến của kinh tế thế giới trong năm 2023, từ nợ doanh nghiệp cho tới nợ công. Trong nửa đầu năm 2023, khối nợ toàn cầu đã tăng thêm 10 nghìn tỷ USD, lên mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Tỷ trọng so với GDP của nợ toàn cầu đã lên tới 336%.

Thế giới đối mặt khủng hoảng nợ nần

Môi trường lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã dẫn tới một làn sóng doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản ở nhiều quốc gia như: Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản… Ở Trung Quốc, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn, điển hình là Country Garden và một số công ty dịch vụ tài chính như ngân hàng ngầm Zhongzhi Enterprise Group lâm vào tình cảnh tương tự.

Đối với các chính phủ, chi phí chống dịch và khắc phục hậu quả của đại dịch đã để lại những món nợ khổng lồ. Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển phải chi số tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD để trả lãi nợ công nợ công trong năm 2022, tăng 5% so với năm 2021. Bộ Tài chính Mỹ cho biết Chính phủ nước này chi 659 tỷ USD để trả lãi ròng nợ công trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2023, tăng 39% so với năm tài khóa trước và tăng gần gấp đôi so với năm tài khóa 2020.

Đáng chú ý, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc gần đây đều bị hạ triển vọng tín nhiệm vì nợ nhiều. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service vào đầu tháng 12/2023 hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, cho rằng việc Chính phủ nước này hỗ trợ, có thể giải cứu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh rơi vào cảnh căng thẳng nợ nần sẽ làm suy giảm sức mạnh tài khóa, kinh tế và thể chế của quốc gia.

Trí tuệ nhân tạo AI phát triển vượt bậc

AI tạo sinh (generative AI) là một trong những xu hướng công nghệ lớn nhất của năm 2023, sau khi ChatGPT của OpenAI gây một tiếng vang lớn trên toàn cầu với cột mốc 100 triệu người dùng được thiết lập vào tháng 1/2023, chỉ sau hai tháng ra mắt.

Trí tuệ nhân tạo AI phát triển vượt bậc

Một loạt mô hình cạnh tranh với ChatGPT đã được các công ty công nghệ đưa ra trong năm 2023 như Bard của Google, Grok của tỷ phú Elon Musk, Ernie của Baidu, Bingchat của Microsoft, Jasper Chat… Những công cụ mới này được kỳ vọng có thể mang tới những thay đổi to lớn và tích cực tại nhiều lĩnh vực trong những năm tới, nhưng cũng có khả năng đe dọa công ăn việc làm của con người.

Giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới

Tín hiệu xoay trục chính sách tiền tệ của Fed, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương là những nhân tố đưa giá vàng thế giới tăng mạnh trong năm 2023.

Giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới

Cả năm, giá vàng quốc tế đã tăng khoảng 15%, thiết lập kỷ lục mọi thời đại ở ngưỡng 2.150 USD/oz vào tháng 12/2023. Với mức tăng này, vàng trở thành một trong những tài sản mang lại mức lợi nhuận tốt nhất cho giới đầu tư trong năm qua.

Cùng tác giả

thị trường chứng khoán hôm nay 17-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 17/07/2024

Thị trường chứng khoán có lượng mua tập trung vào cổ phiếu Ngân hàng nên chỉ số chung VN-Index giữ được sắc xanh, trong đó VN30...
thị trường chứng khoán hôm nay 16-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 16/07/2024

Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch trầm lắng với mức thanh khoản khá thấp. Hiện tại, một số đại diện ngành Điện được hưởng...
thị trường chứng khoán hôm nay 09-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 09/07/2024

Thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co quanh vùng 1280, thanh khoản có cải thiện do lượng bán mạnh tay vào rổ VN30 nhưng luôn...