Thứ Năm 05/10/2023

Hiện thực hoá khai thác quặng Boxit- Nhà đầu tư nào hưởng lợi?

Quặng Boxit tại Việt Nam có trữ lượng khoảng 5,8 tỷ tấn, đứng thứ 2 thế giới. “Mỏ vàng" này đang khiến nhiều ông lớn để mắt và rót hàng tỷ USD vào khai thác. Khi hoạt động khai thác chế biến quặng Boxit được hiện thực hoá, nhà đầu tư nào sẽ hưởng lợi? Hãy cùng GM Invest tìm hiểu trong bài viết này.

GM Invest

Quặng boxit tại Việt Nam- “Mỏ vàng” trữ lượng lớn thứ hai thế giới

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, quặng boxit phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo với trữ lượng bô xít của thế giới đạt khoảng 32 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng boxit ở Việt Nam đạt khoảng 5,8 tỷ tấn, chỉ đứng sau Guinea với 7,4 tỷ tấn.

Quặng Boxit là gì?

Boxit là một loại quặng nhôm. Từ boxit có thể tách ra Alumin (Al2O3 – nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Quá trình sản xuất nhôm từ quặng boxit trải qua hai công đoạn quan trọng: Sản xuất alumin (Al2O3) theo công nghệ Bayer và điện phân Alumin thành nhôm (Al). Mà nhôm là một trong những kim loại quan trọng nhất trong nền kinh tế hiện đại, được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như ô tô, hàng không, điện tử, đóng tàu, v.v.

Có thể thấy, boxit đang là nguồn tài nguyên quan trọng, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 2 loại quặng boxit chính, gồm boxit nguồn trầm tích và boxit nguồn phong hóa laterit từ đá bazan.

Quặng Boxit tập trung ở đâu?

Boxit nguồn trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An. Trong khi đó, loại boxit còn lại tập trung ở các tỉnh phía nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Với trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn, Đắk Nông hiện là tỉnh có trữ lượng boxit lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước. Đây cũng là tỉnh có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á.

Theo khảo sát đến giữa năm 2022, quặng boxit của Đắk Nông chủ yếu được phân bố ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk G’Long, Đắk R’Lấp và Đắk Song, hàm lượng boxit nhôm đạt từ 35 – 40%. Nhờ sở hữu hơn 2/3 “mỏ vàng” lớn thứ 2 thế giới, nhiều năm qua, Đắk Nông liên tiếp được nhiều ông lớn rót hàng tỷ USD với tham vọng phát triển công nghiệp khai thác boxit.

Hiện thực hoá tiềm năng của quặng boxit

Với lịch sử khai thác bắt đầu từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt Đề án khai thác và chế biến quặng boxit Tây Nguyên với dự kiến sẽ xây dựng hai nhà máy sản xuất alumina tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), với tổng công suất thiết kế là 1 triệu tấn alumina/năm. 

Các hoạt động thăm dò khai thác quặng Boxit

Chính phủ xác định từ 2021 – 2030, việc thăm dò, khai thác boxit phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu đến sản phẩm alumin). Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản đến 2030 tầm nhìn 2050, hoạt động thăm dò, khai thác quặng boxit phải gắn với chế biến sâu (tức tối thiểu sản xuất đến sản phẩm alumin). Từ nay tới 2030, các dự án khai thác boxit sẽ duy trì công suất thiết kế mỏ hiện có. Hai mỏ tại Tây Tân Rai và Nhân Cơ (tỉnh Lâm Đồng) sẽ được nâng công suất, và xem xét đầu tư mới các mỏ tại Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Gia Lai, với tổng công suất khai thác khoảng 68-112,2 triệu tấn quặng boxit nguyên khai một năm.

Trong giai đoạn này, ba dự án khai thác quặng boxit sẽ được đầu tư mới tại miền Bắc, gồm Lạng Sơn (1 mỏ) và Cao Bằng (2 mỏ), với tổng công suất 1,55-2,25 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.

Sản lượng khai thác Boxit tại Việt Nam còn thấp

Trong báo cáo ngành boxit-nhôm Việt Nam vừa được công bố, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, sự hiện diện của Việt Nam trong ngành boxit-nhôm vẫn còn nhỏ mặc dù có trữ lượng boxit thuộc top đầu thế giới. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng quặng boxit đạt 3,7 tỷ tấn, đứng thứ ba sau Guinea và Australia và chiếm 12% trữ lượng toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng boxit và alumin của Việt Nam chỉ đóng góp 1% vào tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2021.

Tuy nhiên, chuỗi giá trị nhôm thượng nguồn trong nước còn kém phát triển. Trong việc khai thác và chế biến quặng boxit ở Việt Nam, công ty duy nhất đang hoạt động trong ngành là công ty con trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng là đơn vị chủ đầu tư của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

Dự án nhôm duy nhất đã được phê duyệt ở Việt Nam là dự án luyện nhôm của Trần Hồng Quân với kế hoạch chi 690 triệu USD (80% vốn từ vay nợ) để xây dựng nhà máy luyện kim, bắt đầu xây dựng vào năm 2015, tạm dừng vào năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Theo công ty, sự trì hoãn này là do cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp xung quanh chậm phát triển.

Trong báo cáo cập nhật năm 2023 về ngành boxit – nhôm, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, gần đây, 6 công ty thuộc khu vực tư nhân đã xin gia nhập ngành boxit – nhôm, tương ứng công suất alumin của Việt Nam có khả năng tăng gấp 6 lần trong thập kỷ này.

Các doanh nghiệp nhập cuộc khai mở kho báu – Nhà đầu tư nào được hưởng lợi?

Hàng loạt doanh nghiệp đã tham gia vào cuộc khai mở kho báu Bôxít. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có thêm lựa chọn cho danh mục đầu tư của mình khi dự án khai thác quặng Bôxít chính thức đi vào hoạt động.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Tổng vốn đầu tư dự kiến 4,3 tỷ USD

Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư các dự án gồm: dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm; địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). 

Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng đề xuất dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.

Với tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4,3 tỷ USD, theo tính toán của Tập đoàn Hòa Phát, dự án tổ hợp Nhà máy tuyển boxit – Điện phân nhôm và Nhà máy Điện gió công suất 1.500 MW tại Đắk Nông khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC): Tổng vốn đầu tư dự kiến 2,4 tỷ USD

Tổ hợp nhôm Đức Giang – Đắk Nông và Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang – Đắk Nông.

Đối với khu phức hợp của Đức Giang, công ty dự kiến chi tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD. Vietcap ước tính giai đoạn đầu của dự án có thể cần 500 triệu USD, có thể được tài trợ mà không cần phát hành vốn cổ phần.

Tập đoàn Việt Phương: Tổng vốn đầu tư dự kiến 185 triệu USD

Dự án tổ hợp quặng boxit – alumin – nhôm Đắk Glong diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm; 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp; và tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại TP Gia Nghĩa.

Theo tính toán của CTCP Tập đoàn Việt Phương, 4 dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mang lại giá trị kinh tế và an sinh xã hội rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Riêng dự án tổ hợp boxit – alumin- nhôm Đắk Glong và 7 dự án điện gió khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn khoảng 5.100 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách địa phương 2.100 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông.

CTCP Tập đoàn Sovico (SVC) 

CTCP Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư dự án điện phân Nhôm quy mô 2.000ha tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Với chức năng khu công nghiệp liên hoàn (từ quặng thô đến thành phẩm đầu cuối là sản phẩm tiêu dùng cho ngành công nghiệp xây dựng, tiêu thụ dân dụng), dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ boxit, sản xuất alumina, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng.

CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco)

Tại tỉnh Lâm Đồng, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng boxit tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo đó, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy tuyển quặng boxit (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm).

Khu vực khai thác mỏ có quy mô 107,66 km2, thuộc địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), xã Đambri và phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) với tổng trữ lượng là 573,1 triệu tấn quặng thô.

Cùng tác giả

thị trường chứng khoán hôm nay 17-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 17/07/2024

Thị trường chứng khoán có lượng mua tập trung vào cổ phiếu Ngân hàng nên chỉ số chung VN-Index giữ được sắc xanh, trong đó VN30...
thị trường chứng khoán hôm nay 16-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 16/07/2024

Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch trầm lắng với mức thanh khoản khá thấp. Hiện tại, một số đại diện ngành Điện được hưởng...
thị trường chứng khoán hôm nay 09-07-2024

Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay 09/07/2024

Thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co quanh vùng 1280, thanh khoản có cải thiện do lượng bán mạnh tay vào rổ VN30 nhưng luôn...