Ngành dệt may “đói” đơn hàng – đơn giá trong suốt 3 quý đầu năm 2023
Ảnh hưởng bởi những biến động chính trị trên thế giới và suy thoái kinh tế chung trên thị trường quốc tế khiến tình trạng khan hiếm đơn hàng đang là nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả kinh doanh của ngành dệt may chưa thể “trở mình”.
Hoạt động xuất khẩu dệt may giảm mạnh
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may trong nước đã và đang chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD, cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%…
Ghi nhận tại các doanh nghiệp cho biết, ngành dệt may Việt hiện đang phải đối mặt với khó khăn về cả đơn hàng lẫn đơn giá. Thậm chí, có những doanh nghiệp buộc phải nhận những đơn hàng không phải thế mạnh của mình để đủ đơn hàng cho quý III và IV.
Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng 500-700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm, vì nếu không làm thì không có đơn hàng. Bản thân doanh nghiệp phải nhận cả các mặt hàng không đúng truyền thống, sở trường, ví như doanh nghiệp dệt kim phải nhận hàng dệt thoi hay doanh nghiệp chuyên làm quần âu cũng phải nhận đơn may áo sơ mi.
Cổ phiếu nhóm ngành dệt may “đi ngang”
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đơn giá hiện đã giảm rất sâu, thậm chí có những đơn giá giảm trên 50% so với bình thường. Điều này khiến các doanh nghiệp dệt may đã khó khăn càng thêm khó khăn.
“Hiện, doanh nghiệp chỉ mong có đơn hàng để cầm cự chứ không nói đến việc lựa chọn đơn hàng, điều khác hẳn so với trước đây”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh.
Trên sàn chứng khoán, khác với việc thị trường chung đang khởi sắc thì các nhà đầu tư đang e ngại với ngành dệt may khi các mã như: TCM, M10, GMC, HTG,TDT,..vẫn đang có dấu hiệu giảm và đi ngang. Dù nửa đầu năm 2023 vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm dệt may đã có mức chiết khấu đủ sâu đưa định giá về mức phù hợp.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, để tạo điều kiện cho dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu này, các doanh nghiệp cần sản lượng hồi phục, kết hợp với biên lợi nhuận đã và đang dần cải thiện mới có thể đưa được màu sắc tươi sáng hơn cho nhóm ngành này.
Kỳ vọng đơn hàng cải thiện vào quý IV/2023?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ công thương, tuy khó khăn trong 3 quý đầu năm nhưng với dữ liệu qua các tháng đang cho thấy đã có sự phục hồi. Cụ thể, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7/2023 đã tăng 4,1% sv tháng trước, đạt 3,65 tỷ USD (sau khi tăng trưởng tích cực ở mức 13,2% sv tháng trước trong tháng 6).
Tháng 7 có sự tăng trưởng tích cực
Tháng 7 là giai đoạn giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,8 tỷ USD (giảm 15%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất đóng góp 39% tổng kim ngạch xuất khẩu) đạt 8,7 tỷ USD (giảm 24%). Bên cạnh đó, xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản lần lượt đạt 2,7 tỷ USD (giảm 10%) và 2,2 tỷ USD (tăng 4%).
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng sự phục hồi của ngành dệt may sẽ chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi. Do đó, các nhà phân tích ước tính giá bán bình quân của ngành dệt may sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp (thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022) và chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ đối với đơn hàng FOB.
Kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm
Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục thu hẹp dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Với nhu cầu cho sản phẩm thuộc phân khúc thượng nguồn sẽ tích cực hơn kể từ quý 3/2023 và mùa lễ hội cuối năm có thể là một động lực ngắn hạn vào quý 4/2023.
“Nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ quý 3/2023”, các chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, thị trường Mỹ đang được đánh giá sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của nhóm trung và hạ nguồn. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc sang Mỹ của Việt Nam giảm 25,7% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt mức 7,04 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu của riêng Q2/23 đã cao hơn 27,2% so với quý 1, đạt 3,94 tỷ USD.
Về phía thị trường Mỹ, tính đến tháng 5/2023, vải và hàng may mặc nhập khẩu của quốc gia này đã tăng 12,1% sv tháng trước về lượng (đạt mức 13,2 tỷ m2) và tăng 9,3% sv tháng trước về giá (đạt mức 9,2 tỷ USD). Sản lượng nhập khẩu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, phản ánh nhu cầu cho sản phẩm thuộc các phân ngành này đang phục hồi với tiến độ tích cực.
Các doanh nghiệp nỗ lực hồi phục
Với việc tồn kho hàng hoá bán lẻ quần áo và phụ kiện tại Mỹ đã quay đầu giảm kể từ tháng 3, tuy nhiên hiện vẫn đang ở vùng cao so với giai đoạn trước dịch, do đó hoạt động bổ sung hàng tồn kho trong các tháng tới của các nhà sản xuất sẽ chỉ ở tốc độ chậm.
Tuy nhiên, việc kỳ vọng nhu cầu tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng và hấp thụ bớt lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, tạo dư địa cho các đơn hàng mới để phục vụ cho mùa xuân-hè 2024.
Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ với con số đặt ra là 39-40 tỷ USD, các doanh nghiệp cùng các Hiệp hội trong ngành dệt may đã ra sức nỗ lực kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính Phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực….
Bên cạnh đó, Hiệp hội tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.